Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc , Vĩnh Phúc - Hotline: 0911.553.115 Email: chamsockhachhang.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ CKII Tô Quang Hưng - Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

09 MỐC KHÁM THAI QUAN TRỌNG MẸ BẦU CẦN NHỚ

(Ngày đăng: 24/01/2025, số lượt xem: 112)

 09 MỐC KHÁM THAI QUAN TRỌNG MẸ BẦU CẦN NHỚ

Khám thai là việc làm quan trọng và vô cùng cần thiết đối với phụ nữ mang thai. Tuân thủ đầy đủ và đúng lịch khám được bác sĩ chỉ định sẽ giúp mẹ bầu nắm được sự phát triển sự phát triển của thai nhi qua từng giai đoạn, cũng như được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng ở từng giai đoạn để đảm bảo sức khỏe mẹ và thai nhi.

Ở mỗi giai đoạn sẽ có những xét nghiệm giúp tầm soát, sàng lọc những nguy cơ có thể mắc phải. Vì thế, mẹ bầu cần tuân thủ đầy đủ các mốc thời gian khám thai để có kế hoạch quản lý ở từng thời điểm, nhận biết sớm thai kỳ nguy cơ cao để can thiệp điều chỉnh kịp thời và hiệu quả.

         Sau đây là 9 mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu cần nhớ

1.  Khám thai lần đầu khi thai kỳ 5-8 tuần:

-Đây là cột mốc quan trọng nhằm xác định người phụ nữ có thực sự mang thai hay không, xác định vị trí làm tổ của thai và nhịp tim của thai nhi.

-Cách để người phụ nữ  xác định thời điểm này là ngay khi nhận thấy mình chậm kinh khoảng 2 tuần so với chu kỳ kinh bình thường và sử dụng que thử thai hiện 2 vạch.

Khi đi khám thai lần đầu, bác sĩ sẽ chỉ định cho  mẹ bầu một số kiểm tra xét nghiệm sau:

+     Kiểm tra cân nặng, đo chiều cao để tính chỉ số BMI nhằm đánh giá tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Nếu chỉ số BMI quá cao, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ cách kiểm soát cân nặng khi mang thai để hạn chế tối đa các biến chứng xảy ra.

+     Kiểm tra huyết áp xem mẹ bầu có tăng huyết áp hay không, phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật.

+     Siêu âm xác định vị trí làm tổ của phôi thai, loại trừ tình huống mang thai ngoài tử cung gây nguy hiểm.

+     Xét nghiệm máu kiểm tra sự hiện diện của hormone hCG trong trường hợp siêu âm không thấy rõ túi thai hoặc siêu âm có dấu hiệu bất thường.

+     Tính tuổi thai và ngày dự sinh dựa trên kết quả siêu âm hoặc ngày đầu tiên của kỳ kinh gần nhất tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.


Ảnh (Lần khám thai đầu tiên vô cùng quan trọng, giúp xác định vị trí làm tổ của phôi thai và tim thai)

Bác sĩ cũng sẽ hỏi thêm các thông tin: Tiền sử bệnh lý bản thân và gia đình để dự phòng các nguy cơ trong thai kỳ. Ngoài ra, tại mốc khám thai này bác sĩ sẽ hướng dẫn cho mẹ bổ sung các nhóm vitamin và khoáng chất cần thiết khi mang thai; hướng dẫn chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng cho mẹ và bé; tư vấn lối sống lành mạnh và các điều cần tránh khi mới mang thai.

2. Mốc khám thai thứ 2 khi thai 8-10 tuần

Trường hợp ở lần khám đầu tiên bác sĩ siêu âm chưa thấy phôi thai làm tổ hoặc chưa nghe tim thai, mẹ bầu sẽ được hẹn lịch khám vào lúc 8-10 tuần. Ở lần khám này, mẹ sẽ được kiểm tra toàn diện hơn các vấn đề phôi thai, siêu âm tim thai


Siêu âm kiểm tra toàn diện hơn các vấn đề phôi thai, siêu âm tim thai

3.Mốc khám thai thứ 3 khi thai 11tuần 6 ngày -13 tuần 6 ngày

Đây là mốc khám thai quan trọng giúp phát hiện, tầm soát dị tật thai nhi đầu tiên mà bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu cần thăm khám đúng lịch.

Khoảng thời gian 11-13 tuần 6 ngày thì kết quả đo độ mờ da gáy mới có ý nghĩa, nhờ đó phát hiện được những dị tật bẩm sinh liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể như Down, Edward, Patau, và các bất thường hình thái học khác…như thai vô sọ, hở thành bụng, thoát vị rốn, bất sản xương mũi, bất thường não…

Ngoài ra, ở lần khám thai này mẹ bầu có thể được chỉ định làm các xét nghiệm máu để tầm soát các bất thường số lượng nhiễm sắc thể thường gặp( doubtest, NIPT có độ chính xác > 99%) và xét nghiệm tầm soát nguy cơ tiền sản giật.


Kiểm tra phát hiện sớm các dị tật thai nhi)

 

4.Mốc khám thai thứ 4 khi thai 16-18 tuần

Kiểm tra thường quy: Cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm… để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

Đặc biệt với những  thai nghén nguy cơ cao (Siêu âm phát hiện bất thường về cấu trúc của thai nhi hoặc nguy cơ bất thường số lượng nhiễm sắc thể cao) bác sĩ sẽ khuyến cáo thực hiện các thủ thuật xâm lấn như sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối tuỳ theo từng trường hợp để xác định thai nhi có bất thường số lượng nhiễm sắc thể hay không.

Những mẹ bầu khi khai thác thông tin có tiền sử sinh non hoặc thai kỳ có yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ chỉ định thêm bước đo chiều dài kênh cổ tử cung.

5. Mốc khám thai thứ 5 khi thai 20-24tuần

Kiểm tra thường quy: Cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm… để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

Mẹ bầu sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện siêu âm cùng các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra hình thái thai nhi, phát hiện những bất thường nếu có như hở hàm ếch, dị tật sứt môi, dị dạng ở cơ quan và nội tạng…

Đây cũng là thời điểm mẹ bầu được khuyến cáo tiêm vaccin uốn ván mũi 1

 

6.Mốc khám thai thứ 6 khi thai 24-28 tuần.

Kiểm tra thường quy: Cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm… để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm để theo dõi tăng trưởng của thai nhi và kiểm tra lượng nước ối, vị trí bám của nhau thai.

Tầm soát nguy cơ đái đường thai kỳ

Đây là thời điểm thai phụ tiếp tục tiêm vaccin uốn ván mũi 2

Nếu mẹ bầu bị viêm gan B sẽ được làm xét nghiệm máu để quyết định có điều trị viêm gan B nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho thai hay không.


 Xét nghiệm nghiệm pháp dung nạp glucose để tầm soát đái tháo đường thai kỳ

          7. Mốc khám thai thứ 7 khi thai 28-32 tuần

Thực hiện các kiểm tra thường quy như cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm… để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

Siêu âm hình thái học quý 3 để phát hiện các bất thường khởi phát muộn ở thai nhi như đầu nhỏ, bất thường hệ thần kinh trung ương, kiểm tra tim thai, ước tính kích thước thai nhi…

8. Mốc khám thai thứ 8 khi  thai 32-36 tuần

Thực hiện các kiểm tra thường quy như cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm… để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

           Mẹ bầu sẽ được hẹn tái khám 2 tuần/ 1 lần.

Kiểm tra ngôi thai và sự phát triển của thai nhi.

Ở mốc khám thai này khi thai > 35 tuần mẹ bầu sẽ được bác sỹ chỉ định làm xét nghiệm liên cầu B.

Với những thai kỳ  đặc biệt bác sỹ có thể chỉ định làm thêm những xét nghiệm khác tùy theo từng trường hợp.

9. Mốc khám thai thứ 9 khi thai 36-40 tuần.

Thực hiện các kiểm tra thường quy như cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm… để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

Mẹ bầu sẽ được hẹn tái khám 1 tuần/ 1 lần để bác sĩ đánh giá sức khoẻ thai thông qua kết quả siêu âm và đo tim thai, đồng thời đánh giá cổ tử cung, khung chậu của mẹ để tiên lượng khả năng sinh thường.

Lưu ý rằng, việc chỉ định sinh thường hay sinh mổ chỉ nên là chỉ định của bác sĩ, không nên xuất phát từ mong muốn của mẹ bầu và gia đình để tránh những nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Ngoài 9 mốc khám thai quan trọng kể trên, đối với những mẹ bầu có yếu tố thai kỳ nguy cơ cao hoặc tiền sử mang thai gặp biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định lịch khám thai dày hơn để theo dõi sát sao thai kỳ.

BSCKI. Đỗ Thị Thúy