QUYẾT ĐỊNH SỐ 1019/QĐ-BYT VỀ VIỆC BAN HÀNH TÀI LIỆU CHUYÊN MÔN HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VỀ ĐIỀU TRỊ BỆNH SỞI.
Quyết định 1019/QĐ-BYT ban hành tài liệu chuyên môn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Sởi năm 2025?
Ngày 26/3/2025, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định 1019/QĐ-BYT năm 2025 về việc ban hành tài liệu chuyên môn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Sởi, áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.
Quyết định 1019/QĐ-BYT năm 2025 có hiệu lực kể từ ngày 26/03/2025, thay thế Quyết định số 1327/QĐ-BYT năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sởi.
Theo đó, Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh do vi rút Sởi (họ Paramyxoviridae, chi Morbillivirus) gây ra, bệnh có thể gây các biến chứng nặng dẫn đến tử vong, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, người lớn chưa tiêm hoặc tiêm phòng không đầy đủ cũng có nguy cơ mắc.
Vi rút Sởi chứa RNA sợi đơn, với hai protein chính là hemagglutinin (H) và fusion (F) quan trọng trong đáp ứng miễn dịch. Kháng thể trung hòa chủ yếu tác động lên protein H, còn protein F giúp hạn chế sự phát triển vi rút. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vi rút Sởi được phân thành 8 nhóm (A-H) và 23 kiểu gen, hỗ trợ theo dõi sự lây lan dịch bệnh.
Sởi lây qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp. Các triệu chứng điển hình bao gồm sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, thậm chí tử vong.
Chẩn đoán bệnh Sởi thường dựa vào xét nghiệm kháng thể IgM, trong đó 5070% trường hợp dương tính ngay từ ngày đầu phát ban và đạt 100% sau 3 ngày phát ban.
Vắc xin phòng ngừa Sởi có hiệu quả phòng bệnh cao, phần lớn trẻ bệnh Sởi là chưa tiêm ngừa vắc xin Sởi. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh, nhưng tỷ lệ mắc Sởi hiện nay tại Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới quan tâm, tiếp tục coi là vấn đề y tế toàn cầu.