Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (3,72 km)Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc 15000 - Điện thoại: (0211) 3 711 489, Hotline: 0964.951.010, Email: quanlychatluong.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

BỆNH TAY CHÂN MIỆNG (HFMD)

(Ngày đăng: 01/07/2020, số lượt xem: 4592)

 

BỆNH TAY CHÂN MIỆNG (HFMD)

 

Bệnh tay chân miệng (TCM) là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh phổ biến trẻ em dưới 5 tuổi, có thể ở độ tuổi lớn hơn hoặc người lớn. Ở Việt Nam tỉ lệ mắc cao vào tháng 3-5 và 9-12 hàng năm.

TCM thường lành tính, hồi phục sau 7 -10 ngày, một số ít có biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, liệt, thậm chí viêm não gây tử vong.

Vừa rồi nghỉ dịch COVID-19 bệnh không bùng phát, trẻ học lại TCM đang bắt đầu bùng phát lại, khá nhiều trẻ mắc vào viện trong đó có những ca nặng cần phải nhập viện. Quý cha mẹ cùng tìm hiểu để phòng bệnh cho con!

 

1.     TRIỆU CHỨNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

-         Sốt, ăn uống kém hơn, đau họng, mệt mỏi, quấy khóc nhiều

-         Loét miệng thường bắt đầu như đốm đỏ phẳng, làm trẻ chảy dãi nhiều hoặc khó ăn uống. Vị trí quanh môi, lưỡi hoặc họng.

-         Phát ban các đốm đỏ phẳng hoặc các phỏng nước nhỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và đôi khi đầu gối, khuỷu tay, mông và / hoặc khu vực sinh dục.

-         Những triệu chứng này thường xuất hiện trong các giai đoạn, không phải tất cả cùng một lúc. Không phải ai cũng sẽ có tất cả các triệu chứng này.

 2.     NHẬN BIẾT TRẺ NẶNG

-         Trẻ nguy cơ bệnh nặng, cần đi khám bác sĩ:
Sốt hơn 2 ngày, quấy khóc vô cớ không thể dỗ nín.
Sốt từ 39 độ hơn, uống thuốc khó hạ.
Buồn nôn và nôn.

-         Trẻ bệnh đã nặng, cần nhập viện gấp:

Giật mình chới với: lúc thiu thiu ngủ, giật nẩy tay chân người, choàng tỉnh rồi lại ngủ.
Không đi vững, tay chân yếu, đi lại loạng choạng, người run - rùng mình ngay cả lúc thức.

Nôn tất cả mọi thứ hoặc nuốt nghẹn sặc, thay đổi giọng nói

-         Trẻ bệnh rất nặng, cần đi cấp cứu ngay:
Khó thở hoặc thở bất thường, da lạnh nổi vân tím, mạch sờ không thấy hay quá nhanh.

3.     ĐIỀU TRỊ

Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị các triệu chứng của bệnh TCM. Điều quan trọng là cho trẻ uống đủ chất lỏng để ngăn ngừa mất nước.

Chăm sóc tại nhà với trẻ nhẹ

-         TCM là bệnh nhiễm trùng do virus, hiếm khi gây biến chứng nặng hoặc bội nhiễm vi khuẩn. Thuốc kháng sinh không có tác dụng với virus và không được dùng đầu tiên cho trẻ em mắc bệnh tay chân miệng.

-         Nổi mụn nước nhiều quá
Thường trẻ nổi ngày càng nhiều làm phụ huynh lo nhưng thường nổi nhiều lại nhẹ hơn nổi ít.
Không cần bôi thuốc xanh nếu phỏng nước chưa vỡ.
Tắm rửa như bình thường, đến ngày mụn sẽ khô, không được chọc thủng hoặc nặn ép.

-         Quấy khóc, khó chịu, khó ngủ
Đau họng do vết loét:Nếu bé đau hoặc quá khó chịu, dùng paracetamol hoặc ibuprofen theo hướng dẫn của Bs, Ds.
Ngứa ngáy quá có thể do kiêng không tắm, cắt gọn móng tay để trẻ gãi không làm tổn thương sâu hơn.

-         Không chịu ăn do miệng đau

Ăn mềm, ngọt, mát dễ nuốt

Uống đồ uống lạnh, chẳng hạn như sữa hoặc nước đá, có thể ăn kem, ngậm đá bào để giảm đau ở trẻ lớn trước khi ăn.
Không ăn nóng, cay, chua, mặn
Súc miệng bằng nước muối ấm sau bữa ăn hoặc nhiều lần trong ngày khi có thể giúp giảm đau và viêm loét miệng.

4.     BỊ RỒI CÓ BỊ LẠI KHÔNG?

Có! Bệnh được gây ra bởi một nhiều virus khác nhau, nên có thể mắc bệnh nhiều lần. Các loại virus thông thường là Coxaki A16 và A6, EV71(hiếm gặp nhưng có thể gây biến chứng nghiêm trọng viêm não hoặc tử vong)

5.     CON ĐƯỜNG LÂY NHIỄM?

-         Người mắc TCM dễ lây nhất trong tuần đầu tiên, và kéo dài nhiều tuần khi đã hết triệu chứng, một số người đặc biệt là người lớn có thể lây nhiễm virus mà không có triệu chứng.

-         Virus có trong dịch tiết mũi họng, phân, phỏng nước trên da, bệnh có thể lây khi:

+       Hít phải giọt bắn trong không khí có virus khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.

+       Tiếp xúc với người bệnh: ôm, hôn, dùng chung cốc, dụng cụ ăn uống.

+       Tiếp xúc phân của trẻ bệnh khi thay tã hoặc đi vệ sinh sau đó chạm vào mắt mũi miệng.

+       Chạm vào bề mặt có virus: tay nắm cửa, đồ chơi…sau đó chạm vào mắt mũi miệng.

6.     PHÒNG BỆNH

-         Không có vắc-xin phòng bệnh, tiêm chủng đầy đủ các loại khác để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh nhất.

-         Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng ít nhất 20s hoặc bằng dung dịch rửa tay khô đặc biệt sau khi chăm sóc trẻ bệnh ( thay tã, giúp vệ sinh…)

-         Hướng dẫn trẻ vệ sinh tay.

-         Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không sạch.

-         Tránh tiếp xúc gần gũi như hôn, ôm, dùng chung dụng cụ và đồ ăn với trẻ bệnh.

-         Khử trùng các bề mặt và đồ vật thường xuyên chạm vào, như đồ chơi và tay nắm cửa, đặc biệt nếu có người bị bệnh.

-         Trẻ có thể đi học lại nếu hết triệu chứng gây khó chịu tuy nhiên nên tránh dùng dụng cụ ăn chung. Trẻ cũng cần vệ sinh tay sạch, tránh tiếp xúc dịch mắt, mũi miệng…gây phát tán virus.

 

 

                                                       

Trần Đồng