Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (3,72 km)Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc 15000 - Điện thoại: (0211) 3 711 489, Hotline: 0964.951.010, Email: quanlychatluong.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

Hãy để bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình nắn chỉnh BÀN CHÂN KHOÈO của bé sớm nhất để bé được vận động bình thường và dáng đi tự tin

(Ngày đăng: 29/06/2021, số lượt xem: 6136)

 

Hãy để bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình nắn chỉnh BÀN CHÂN KHOÈO của bé sớm nhất để bé được vận động bình thường và dáng đi tự tin

Mỗi năm Đơn nguyên Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc tiếp nhận và điều trị khoảng 15 trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh. Điều trị dứt điểm bệnh lý bàn chân khoèo ở trẻ là 1 việc vô cùng khó khăn, tuy nhiên nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì khả năng phục hồi chức năng cho trẻ rất cao, những trẻ được can thiệp sớm sau sinh kết quả điều trị tốt đến tuổi trẻ tập đi là có thể đi được.

Bé L.M.K sinh năm 2020, địa chỉ Yên Lạc – Vĩnh Phúc, bé được chẩn đoán bàn chân khoèo bẩm sinh hai bên. Bé đã được phát hiện bàn chân khoèo 2 bên qua siêu âm khi còn trong bụng mẹ, sau sinh 1 tuần bé nhập Đơn nguyên chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc được nắn chỉnh bó bột 4 lần sửa chữa biến dạng, một số biến dạng không sửa chữa được bằng nắn chỉnh bó bột bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật để chỉnh sửa. Hiện tại bé K được 6 tháng, bé đã được phẫu thuật nắn chỉnh, bó bột, 3 tuần sau mổ các bác sĩ đánh giá lại kết quả, có thể phải bó bột tiếp sau đó hướng dẫn đi dày chỉnh hình. Hy vọng bé K đáp ứng tốt với điều trị để có thể tập đi đúng với lứa tuổi.

 Hình ảnh chân L.M.K khi mới sinh

Hình ảnh chân L.M.K sau bó bột

Hình ảnh chân L.M.K sau phẫu thuật

 

BÀN CHÂN KHOÈO là một dị tật thường hay gặp, do bẩm sinh hoặc cũng có thể là hậu quả của bệnh bại liệt trẻ em. Bàn chân bé bị khoèo vào trong giống như hình ảnh của đầu gậy chơi gôn. Bàn chân khoèo thường xảy ra đơn độc nhưng cũng có thể kết hợp với các dị dạng bẩm sinh khác.

Dị tật này gặp ở khoảng 1/1000 trẻ sơ sinh. Tỷ lệ bị cả 2 chân khoảng 50%, trong đó bé trai chiếm nhiều hơn bé gái. Mỗi năm ước tính trên thế giới có hơn 100.000 trẻ sinh ra bị bàn chân khoèo, trong đó 80% trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển. Nếu không được điều trị, trẻ đi đứng sẽ không bình thường, bị tàn phế về thể chất, ảnh hưởng nặng đến tâm sinh lý, giảm cơ hội học hành và lao động về sau. Bệnh này cần được điều trị sớm sau sinh và hiệu quả điều trị thường rất cao.

 Nguyên nhân của bệnh chưa rõ; một số yếu tố liên quan bàn  chân  khoèo có  liên  quan  mật  thiết  với  việc  hút thuốc trong thai kỳ, đặc biệt là khi gia đình có người bị dị tật này, mẹ không đủ dịch ối trong thai kỳ, phụ nữ mang thai bị nhiễm khuẩn hay sử dụng các thuốc cấm khi mang thai, …

Chẩn đoán có thể phát hiện được dị tật bàn chân khoèo vào khoảng 3 tháng giữa thai kỳ, nhất là khi bị cả hai bên nếu thai phụ có đi khám và siêu âm thai định kỳ. Tuy nhiên, không thể xử trí những trường hợp bàn chân khoèo trước sinh. Cần gặp gỡ chuyên gia tư vấn về di truyền hay bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình.

Điều trị bàn chân khoèo nên bắt đầu sớm từ 1 – 2 tuần lễ sau khi sinh vì xương khớp trẻ em rất linh hoạt, các dây chằng cũng như bao khớp và các gân đều mềm dẻo thay đổi hình dạng và cơ năng của bàn chân trước khi trẻ tập đi. Kéo duỗi bàn chân bằng các bài tập, cho trẻ đi giày hoặc mang nẹp và đai cho bàn chân 24/24 trong khoảng 3 tháng, ba năm tiếp theo chỉ mang về đêm. Phẫu thuật khi bàn chân  khoèo  nặng  không  đáp  ứng với các điều trị không phẫu thuật: mổ kéo dài gân gót để dễ đưa bàn chân về đúng vị thế, bó bột 2 tháng và mang dây đeo trong một năm. Nếu không được điều trị sớm sẽ gây biến dạng nặng nề cho bàn chân, bắt buộc phải phẫu thuật rất phức tạp nhưng kết quả lại không tốt

Lời khuyên của bác sĩ Chấn thương chỉnh hình

Phụ nữ khi có thai cần lưu ý: không hút thuốc và tránh khói thuốc; không uống rượu; không dùng thuốc khi chưa có chỉ định của thầy thuốc, khám thai định kỳ.

Siêu âm cần phát hiện sớm, khám đúng chuyên khoa, điều trị càng sớm càng tốt.

Đơn nguyên Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc với đội ngũ bác sĩ có “đôi bàn tay vàng” vô cùng khéo léo trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, xử lý hiệu quả và thẩm mỹ các trường hợp bất thường bàn tay, bàn chân, hàm mặt và sinh dục để mang lại sự tự tin cho bé, niềm vui cho các gia đình.

Để được tư vấn và giải đáp thắc mắc, đặt lịch phẫu thuật! Hãy liên hệ với chúng tôi:

-----------------------------------------------
BỆNH VIỆN SẢN NHI VĨNH PHÚC

Hotline: 02113.553.115 hoặc 0911.553.115

Địa chỉ: Số 394 đường Mê Linh, Phường Khai Quang, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

Gmail: quanlychatluong.sannhivp@gmail.com

Facebook: Bệnh Viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc

Zalo: Bệnh Viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc

Youtube: Bệnh Viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc

Website: sannhivinhphuc.vn  

 

Đơn nguyên Chấn thương chỉnh hình  

Tổ quản lý chất lượng