Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (3,72 km)Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc 15000 - Điện thoại: (0211) 3 711 489, Hotline: 0964.951.010, Email: quanlychatluong.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

VẮC XIN ROTA LÀ GÌ? UỐNG KHI NÀO THÌ THÍCH HỢP NHẤT?

(Ngày đăng: 23/02/2020, số lượt xem: 37604)

 

Virus rota là nguyên nhân hàng đầu gây ra tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ. Chúng ta có thể khắc phục tình trạng này bằng cách cho trẻ uống vắc xin rota. Vì vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý để không bỏ lỡ thời gian “VÀNG” cho trẻ uống vắc-xin ngừa virus Rota.

1. Vắc xin rota là gì?

Vắc xin rota là loại vắc xin có tác dụng phòng tránh nguy cơ nhiễm virus rota - nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ.

Rotavirus lây truyền chủ yếu qua đường phân hoặc đường miệng, tiếp xúc qua tay hoặc các đồ vật bị nhiễm virus. Ngoài ra, virus Rota cũng có thể lây qua đường hô hấp, lây lan ngoài cộng đồng hoặc lây chéo trong bệnh viện. Trẻ em dưới 5 tuổi chính là đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất.

Khi virus Rota xâm nhập vào cơ thể sẽ có thời gian ủ bệnh từ 2 - 3 ngày sau đó mới phát bệnh. Bệnh khởi phát đột ngột với triệu chứng nôn mửa trong 1 - 3 ngày, tiếp theo xuất hiện triệu chứng tiêu chảy cùng với nôn mửa, sốt. Khi bị tiêu chảy, trẻ bị mất nước, ảnh hưởng tới thể trạng như suy dinh dưỡng và một số biểu hiện khác. Trẻ có thể bị tử vong nếu như không được cấp cứu kịp thời.

2. Có những loại vắc xin Rota nào?

Hiện nay có 2 loại vắc xin Rota phổ biến nhất, bao gồm Rotarix (Bỉ) và Rotateq (Mỹ).

2.1 Vắc xin ROTARIX

 

Vắc xin ROTARIX

Nguồn gốc: Glaxo SmithKline (Bỉ)

Chỉ định

Rotarix được chỉ định phòng bệnh viêm dạ dày ruột do virus Rota tuýp huyết thanh G1 hoặc không phải G1 (như G2, G3, G4, G9) gây ra

Lịch tiêm chủng

Gồm 2 liều:

·         Liều đầu tiên: nên bắt đầu lúc 6 tuần tuổi.

·         Liều thứ 2: sau đó 4 tuần.

·         Phải kết thúc 2 liều trước 6 tháng tuổi.

·         Nếu liều đầu tiên đã uống Rotarix thì bắt buộc liều thứ 2 cũng phải uống Rotarix

Đường dùng

Chỉ dùng đường uống.

Vắc xin Rotarix có khả năng bám dính rất tốt vì vậy sau khi uống nếu trẻ có nôn trớ thì cũng không cần uống liều khác. Tuy nhiên nếu xác định rằng đã bị nôn trớ phần lớn vắc xin thì có thể uống lại.

Bảo quản

·         Vắc xin đông khô được bảo quản ở nhiệt độ 2-80C, tránh ánh sáng.

·         Dung môi hoàn nguyên có thể bảo quản ở 2-80C hoặc ở nhiệt độ phòng (<370C).

·         Sau khi hoàn nguyên, vắc xin được sử dụng ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh từ 2-80C trong vòng 24 giờ. Sau 24 giờ phải loại bỏ vắc xin đã hoàn nguyên.

2.2 Vắc xin ROTATEQ

Vắc xin ROTATEQ

Nguồn gốc: Meck Sharp and Dohme (Mỹ)

Chỉ định

Vắc xin Rotateq được chỉ định để phòng các bệnh do virus Rota thuộc các tuýp huyết thanh G1, G2, G3, G4, G9 gây ra. Đây là những chủng virus chiếm tỷ lệ lớn gây ra bệnh viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ.

Rotateq không có chỉ định ở người lớn nên không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Lịch tiêm chủng

·         Liều 1: có thể bắt đầu khi trẻ được 7.5 tuần tuổi.

·         Liều 2: sau liều 1 là 4 tuần.

·         Liều 3 : sau liều 2 là 4 tuần.

·         Lịch trình uống vắc xin của trẻ phải kết thúc trước tuần thứ 32.

Đường dùng

Chỉ dùng đường uống. KHÔNG ĐƯỢC TIÊM.

Nếu trẻ bị nôn trớ hoặc nhổ ra thì không được uống liều thay thế vì chưa có nghiên cứu lâm sàng cho việc uống thay thế. Cứ dùng liều tiếp theo trong lịch uống vắc xin.

Vắc xin được đóng trong tuýp định liều có thể vặn nắp và cho uống luôn, không được pha loãng bằng nước hoặc sữa.

Bảo quản

Vắc xin Rotateq được bảo quản ở nhiệt độ 2-80C. Sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh, vắc xin cần được sử dụng ngay. Khi bảo quản ở nhiệt độ 250C, vắc xin Rotateq có thể sử dụng trong vòng 48 giờ. Sau 48 giờ vắc xin cần phải loại bỏ theo quy định.

3. Vắc xin rota chống chỉ định với trường hợp nào?

Không phải trường hợp nào bé cũng được uống đủ liều vắc xin rota. Chống chỉ định với những trường hợp như:

  • Đối với những trẻ đã từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng trong liều uống vắc xin rotarix trước đó thì không nên cho uống liều nữa.
  • Trẻ đang bị sốt.
  • Trẻ gặp vấn đề về đường tiêu hóa.
  • Trẻ gặp vấn đề về hệ miễn dịch.
  • Tại thời điểm uống vắc xin, nếu trẻ mắc bệnh, nên chờ khi trẻ khỏi hẳn hoặc các mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé uống.
  • Trước khi uống vắc xin, bé cần được bác sĩ kiểm tra hệ thống miễn dịch trước.

4. Một số tác dụng phụ gặp phải khi uống vắc xin rota

      Thông thường, uống hoặc tiêm bất kì một loại vắc xin nào cũng có thể gặp một số tác dụng phụ như sốt, khó thở, tim đập nhanh, nổi mề đay,... Tuy nhiên với vắc xin rota, việc gặp những phản ứng phụ nghiêm trọng gần như không có. Đây là loại vắc xin an toàn, phần lớn trẻ không có vấn đề gì sau khi uống. Một số tác dụng phụ nhẹ có thể gặp ở một số trường hợp như: nôn mửa, tiêu chảy.

5. Lưu ý sau khi uống vắc xin rota

Các mẹ nên chú ý theo dõi phản ứng của trẻ sau khi sử dụng vắc xin. Nếu sau khi trẻ uống vắc xin rota mà bị tiêu chảy, nôn, đau bụng kéo dài, lồng ruột,... cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám kịp thời. Cần quan sát trẻ trong vòng 2 đến 3 ngày sau khi sử dụng vắc xin. 

      Đối với trường hợp trẻ đang sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh cần thông báo với bác sĩ về tương tác hoặc phản ứng thuốc trước khi sử dụng.

      Tránh dùng vắc xin rota với vắc xin bại liệt vì có thể gây ra tương tác thuốc, phản ứng phụ, từ đó tăng nguy cơ gặp vấn đề về đường tiêu hóa. 

       Như vậy, vắc xin rota có tác dụng ngăn ngừa virus rota gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ. Vắc xin chỉ định cho trẻ uống từ khi 6 tuần tuổi và hoàn thành trước khi trẻ được 6 tháng tuổi.

 

Thông tin tham khảo:

1.  http://benhviennhitrunguong.org.vn/rotavirus-nguyen-nhan-hang-dau-gay-tu-vong-dotieu-chay-o-tre-em.html
2.  http://vienyhocungdung.vn/tieu
chaydorotavirus20151221162218707.htm

3. http:// medlatec.vn/tin-tuc/vac-xin -rota-uong-khi-nao-thi-thich-hop-nhat-s121-n16034

 

 

Đơn nguyên tiêm chủng

 

Đơn nguyên tiêm chủng