Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (3,72 km)Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc 15000 - Điện thoại: (0211) 3 711 489, Hotline: 0964.951.010, Email: quanlychatluong.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

ĐIỀU TRỊ SÓN TIỂU BẰNG PHƯƠNG PHÁP T.O.T.

(Ngày đăng: 23/03/2020, số lượt xem: 3372)

 

Són tiểu/Tiểu không kiểm soát là một bệnh lý rất hay gặp ở phụ nữ. Tỉ lệ người bị són tiểu tăng dần theo tuổi và liên quan với số lần sinh nở, đặc biệt nếu khi sinh trọng lượng thai nhi >4000gr hoặc đầu to. Những thống kê ở phụ nữ Việt Nam trong lứa tuổi sinh đẻ cho thấy khoảng 15-20% chị em có biểu hiện són tiểu, trong đó són tiểu gắng sức chiếm gần 80%. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Triệu chứng của són tiểu ở phụ nữ

 

 

             Són tiểu ở phụ nữ là tình trạng rò rỉ nước tiểu ra ngoài không kiểm soát được khi có hoạt động mạnh như ho, cười, xách vật nặng, chạy… Biểu hiện són tiểu/Tiểu không kiểm soát là dấu hiệu mà bất kỳ ai cũng biết. Tuy nhiên, chị em cần lưu ý những dấu hiệu sau:

·  Bệnh bắt đầu từ bao năm rồi? tiến triển ra sao?

·  Bạn có áp dụng cách nào để khống chế tình trạng són tiểu không? Có phải dùng băng vệ sinh không? Phải thay bao nhiêu lần mỗi ngày? Dùng băng vệ sinh thường xuyên hay chỉ dự phòng?

·  Bạn có bị viêm đường tiết niệu hay các rối loạn tiểu tiện kèm theo: đái buốt, đái rắt, đái gấp? Có bị bệnh phối hợp hay đang dùng thuốc gì không?

Khi đến khám bạn phải nhịn tiểu. Với bàng quang đầy, bác sĩ sẽ làm nghiệm pháp gây són tiểu khi ho. Việc thăm trong giúp bác sỹ kiểm tra niệu đạo, âm đạo, cơ vùng tầng sinh môn, tình trạng sa sinh dục. Thăm khám có thể tiên lượng trước mức độ hiệu quả của phẫu thuật T.O.T. Đôi khi phải tiến hành các xét nghiệm bổ sung: Chụp bàng quang, siêu âm ổ bụng, niệu động học đăc biệt cần thiết trong trường hợp bàng quang tăng hoạt tính hoặc suy yếu van niệu đạo.

Són tiểu không phải là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống: ngoài việc ẩm ướt mất vệ sinh, thường xuyên phải dùng băng vệ sinh, bệnh còn tạo ra tâm lý mất tự tin, hạn chế tham gia các hoạt động xã hội và ngay cả khi quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, số lượng chị em chủ động đi khám vì són tiểu lại rất ít, do tâm lý xấu hổ, hoặc thiếu hiểu biết và cho rằng đây là “tật” phải chịu đựng sau sinh đẻ chứ không phải là 1 “bệnh”  đã có cách điều trị rất hiệu quả.

Các loại són tiểu ở phụ nữ?

Bệnh són tiểu được chia thành 3 loại dựa vào nguyên nhân gây bệnh khác nhau:

·  Són tiểu gắng sức 

·  Són tiểu do bàng quang tăng hoạt tính

·  Són tiểu hỗn hợp phối hợp 2 loại trên.

Són tiểu gắng sức

Do sự nhão yếu các cơ nâng đỡ tầng sinh môn gây ra tình trạng niệu đạo di động quá mức khi gắng sức hoặc do suy yếu cơ thắt niệu đạo.

Hoạt động gắng sức (ho, cười, hắt hơi, chạy, nhẩy, lên cầu thang, xách vật nặng…) gây tăng áp lực  bàng quang  trong khi các cơ nâng đỡ tầng sinh môn, cơ thắt niệu đạo đã yếu không kìm giữ được gây són tiểu.

Nguyên nhân gây són tiểu gắng sức: Đẻ nhiều lần, các sang chấn trong đẻ, tiền sử mổ vùng tầng sinh môn…

Các bệnh lý gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên: ho mãn tính, táo bón, béo phì… 

        Són tiểu ở phụ nữ do bàng quang tăng hoạt tính

Loại són tiểu này đặc hiệu với sự tăng áp lực hoặc co bóp bất thường cơ bàng quang ngay cả khi chỉ có ít nước tiểu. Sự co bóp bất thường này gây ra cảm giác buồn tiểu gấp đôi khi kèm theo đau vùng bàng quang dẫn đến són tiểu ở phụ nữ cho dù cơ nâng đỡ tầng sinh môn và van niệu đạo vẫn bình thường.

Nguyên nhân đôi khi do bàng quang bị kích thích do viêm, khối u, sỏi…hoặc do bít tắc niệu đao hay yếu tố thần kinh.

Một vài bệnh lý thần kinh như xơ hoá thành đám, bệnh lý thần kinh trong đái đường, tai biến mạch não có thể gây bàng quang tang hoạt tính. Đôi khi không tìm thấy nguyên nhân.

Són tiểu hỗn hợp

Là tình trạng són tiểu phối hợp cả són tiểu gắng sức với són tiểu do bàng quang tăng hoạt tính. Cần hỏi kỹ để biết tỷ lệ giữa 2 loại són tiểu.

Chẩn đoán bệnh són tiểu ở phụ nữ

 

 

Són tiểu gắng sức

Chiếm đa số 80-90% các trường hợp són tiểu. Són tiểu không chủ động, không hề có cảm giác buồn tiểu trước khi són tiểu. Sảy ra khi gắng sức: ho, cười, hắt hơi, thể thao. Ở mức độ nặng, són tiểu sảy ra cả khi đi bình thường, thay đổi tư thế (phải nghĩ tới tình trạng suy yếu cơ thắt)

Khám tại chỗ với bàng quang đầy nước tiểu cho phép khẳng định chẩn đoán.
Không cần bất cứ khám nghiệm cận lâm sàng nào khác.

Són tiểu gắng sức do bàng quang tăng hoạt tính

Chiếm khoảng 10-20% tổng số bệnh nhân són tiểu ở phụ nữ. Són tiểu luôn kèm theo cảm giác buồn tiểu dữ dội và tăng số lần đi tiểu ngày và đêm. Cần hỏi thêm về tiền sử, các bệnh phối hợp, các thuốc đang dùng…

Khám tiết niệu phụ khoa: tình trạng khô teo bộ phận sinh dục ngoài cho thấy sự thiếu hụt nội tiết tố nữ, sa sinh dục, dấu hiệu són tiểu khi ho. Ghi nhật ký tiểu tiện.

Bổ sung các khám nghiệm cận lâm sàng khác như siêu âm, xquang, xét nghiêm nước tiểu để loai trừ các bệnh gây kích thích bàng quang như sỏi, khối u, viêm…

Khám niệu động học cho phép xác định loại són tiểu, tình trạng tăng co bóp của bàng quang, hoạt động của cơ thắt…

Cơ chế bệnh són tiểu ở phụ nữ

Những công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới đã làm sáng tỏ cơ chế són tiểu ở phụ nữ là do tình trạng trở nên nhão, yếu, giảm trương lực của cơ vùng tầng sinh môn có vai trò nâng đỡ niệu đạo và bàng quang. Tỷ lệ són tiểu tăng dần theo tuổi, số lần đẻ và nhất là khi trọng lượng thai nhi lớn.

Phẫu thuật T.O.T điều trị són tiểu ở phụ nữ được tiến hành như thế nào?

 

 

Phương pháp T.O.T: Đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo qua lỗ bịt đã trở thành “Chìa khóa vàng” trong điều trị són tiểu ở phụ nữ dựa trên nguyên lý trên. Đây là một phẫu thuật nhẹ nhàng, ít xâm hại và hiệu quả cao. Qua 1 vết rạch nhỏ ở thành trước âm đạo, phẫu thuật viên đặt dải băng tổng hợp đỡ phần sau niệu đạo nhằm tạo ra một vùng đệm tựa chắc chắn thay thế cho phần cơ đã nhão yếu. Khi gắng sức, áp lực ổ bụng tăng lên sẽ ép niệu đạo vào vùng này làm bịt tắc lòng niệu đạo giúp chặn lại dòng tiểu són ra. Phẫu thuật này kéo dài khoảng 30 phút, sau khi đặt dải băng, bệnh nhân đã hết són tiểu. Thời gian nằm viện 2 - 4 ngày.

 

 

Chăm sóc sau mổ

Ngay sau khi ra viện bệnh nhân có thể làm việc bình thường. Trong hai tuần đầu không nên tham gia những hoạt động thể lực nặng hoặc chơi thể thao. Phải kiêng hoạt động tình dục trong 1 tháng sau mổ. Bạn được khám lại sau 4 tuần với bác sỹ phẫu thuật để kiểm tra tình trạng són tiểu ở phụ nữ đã hết chưa, có còn biểu hiện đái khó hay ứ đọng nước tiểu trong bàng quang không. Trong trường hợp có bí tiểu hoặc tiểu khó, bệnh nhân cần đến khám lại ngay.

Kết luận

T.O.T là phương pháp đem lại hiệu quả Kinh tế – Y tế rất cao với tỷ lệ khỏi bệnh cao, ít xâm hại, ngày nằm viện ngắn, chi phí hợp lý: giá của phẫu thuật TOT bằng 1/3 giá của phẫu thuật Burch trong điều tri ngoại khoa són tiểu kinh điển, rẻ hơn so với chi phí điều trị nội khoa són tiểu/ tiểu không tự chủ trong 1 năm, và chỉ bằng 1/60 giá của phương pháp sử dụng van niệu đạo nhân tạo trong điều trị són tiểu ở phụ nữ.

Chúng tôi xin mách nhỏ với chị em rằng: Són tiểu gắng sức là 1 bệnh lý hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật T.O.T và bây giờ, tất cả chỉ còn phụ thuộc vào quyết định của bạn: cần vượt qua sự mặc cảm, xấu hổ để khám bệnh - Phần còn lại đã có chúng tôi lo!

Lê Minh Tuấn