Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (3,72 km)Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc 15000 - Điện thoại: (0211) 3 711 489, Hotline: 0964.951.010, Email: quanlychatluong.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

KHUYẾN CÁO VỚI CHỊ EM PHỤ NỮ TỪ CÂU CHUYỆN CỨU SỐNG SẢN PHỤ BỊ RAU TIỀN ĐẠO, RAU CÀI RĂNG LƯỢC TẠI VỊ TRÍ MỔ ĐẺ CŨ

(Ngày đăng: 12/08/2020, số lượt xem: 2439)

 

KHUYẾN CÁO VỚI CHỊ EM PHỤ NỮ TỪ CÂU CHUYỆN CỨU SỐNG SẢN PHỤ BỊ RAU TIỀN ĐẠO, RAU CÀI RĂNG LƯỢC TẠI VỊ TRÍ MỔ ĐẺ CŨ

 

Ông bà ta có câu "người chửa cửa mả" để nói đến mức độ nguy hiểm mà người phụ nữ có thể gặp được khi mang thai và sinh con. Vừa qua sản phụ Đỗ Thị Ngọc Ánh 35 tuổi (phường Tích Sơn, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) càng "thấm" cau nói này hơn sau khi đã trải qua ca phẫu thuật mổ lấy thai bé thứ 3 nguy hiểm đến tính mạng ở tuần 33 thai kỳ do bị rau tiền đạo, rau cài răng lược tại vị trí mổ đẻ cũ đe dọa tính mạng. Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc đã cứu giúp sản phụ Ánh từ "cửa tử" về với cuộc sống trong niềm hạnh phúc ngọt ngào 

Kể lại trường hợp của sản phụ Đỗ Thị Ngọc Ánh, bác sĩ Tô Văn An – Trưởng khoa Sản bệnh – Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc cho biết. Sản phụ Ánh nhập Khoa Sản bệnh vì bị ra máu âm đạo rất nhiều (băng huyết) khi thai nhi được 25 tuần tuổi. Qua khám thai và siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán sản phụ bị rau tiền đạo, rau cài răng lược tại vị trí vết mổ đẻ cũ. Đây là một trong những bệnh lý nặng nhất tại Khoa Sản bệnh. Trong khoảng thời gian 2 tháng điều trị tại khoa, có những lần sản phụ bị băng huyết ra máu cục, máu tươi, máu chảy tưởng chừng không cầm được. Các bác sĩ, nữ hộ sinh Khoa Sản bệnh nhiều phen phải chạy, chạy, chạy, .., đẩy xe, lấy máu, chèn gạc, tiêm truyền rồi chờ đợi, chờ đợi và hy vọng, đến khi thai nhi được 33 tuần tuổi sản phụ đã phải truyền máu tới 3 lần với số lượng hơn 2 lít máu.

Ngày 22/7, sản phụ ra máu nhiều, do đó một cuộc hội chẩn đột xuất liên khoa giữa Khoa Sản bệnh với Khoa Phụ, Khoa Gây mê và Khoa Huyết học đã được diễn ra, đánh giá đây là một trường hợp cực kỳ phức tạp, đòi hỏi phải chuẩn bị máu đầy đủ và các phương tiện gây mê hồi sức thật tốt, điều quan trọng nhất là phẫu thuật viên phải có bản lĩnh và dày dặn kinh nghiệm trong việc phẫu thuật xử trí những trường hợp bị rau tiền đạo, rau cài răng lược mới có thể phẫu thuật an toàn cho sản phụ, sản phụ được chỉ định mổ lấy thai cấp cứu. Ê kíp tham gia phẫu thuật gồm bác sĩ trưởng khoa Tô Văn An, bác sĩ Hoàng Minh Hải, bác sĩ Lê Thị Huyền (Khoa Sản bệnh), bác sĩ Nguyễn Đức Minh (Trưởng Khoa Phụ), bác sĩ Trần Văn Lũy (Trưởng Khoa Gây mê), bác sĩ Trần Văn Hoằng (Trưởng Khoa Huyết học) và trực tiếp chỉ đạo là Giám đốc bệnh viện – BsCKII Đỗ Trọng Cán .

          Trong phẫu thuật, nhiều lúc kíp phẫu thuật như nín thở, tập trung cao độ vì sản phụ mất máu trầm trọng và tổn thương tử cung, do vậy sau khi các bác sĩ thực hiện phẫu thuật lấy thai đã cắt toàn bộ tử cung, cầm máu, hồi sức chống suy tuần hoàn cho sản phụ, số lượng máu mà sản phụ được truyền liên tục trong cuộc phẫu thuật lên đến gần 6 lít. Sau hơn 4 giờ vô cùng căng thẳng, ca phẫu thuật thành công, bé gái 1,6kg, sau khi chào đời bé được chuyển đên Khoa Sơ sinh của Bệnh viện để theo dõi chăm sóc và sau 1 tuần bé được ghép mẹ. Sức khoẻ sản phụ Ánh dưới bàn tay chăm sóc tận tình của nhân viên bệnh viện cũng phục hồi tốt dần sau cuộc phẫu thuật. Được nhìn thấy con yêu tuy hơi nhỏ nhưng trộm vía “đã mạnh khỏe và cứng cáp”, sản phụ vô cùng xúc động, ánh mắt hạnh phúc ngắm nhìn con gái nhỏ nhắn trong vòng tay yêu thương mình mà ngỡ như một giấc mơ, sản phụ Ánh và gia đình đã rơi những giọt nước mắt hạnh phúc vì đã vượt cạn thành công dù vô vàn khó khăn, thậm chí đã đứng trước “cửa tử”. May mắn cho sản phụ Ánh là trên con đường đó đã được sự đồng hành của các y bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi, bằng sự tận tình điều trị chăm sóc, bằng chuyên môn vững vàng và kinh nghiệm quý giá được tích lũy qua nhiều năm tháng. Để rồi nụ cười cũng đã nở trên môi và ánh mắt rạng ngời trên khuôn mặt của thành viên kíp phẫu thuật, họ đã thành công, đã kịp nắm tay sản phụ Ánh từ “cửa tử” trở về bên các con, bên gia đình yêu dấu. Khung cảnh thật xúc động, sản phụ và con gái đã được xuất viện ngày 4/8/2020 trong niềm hạnh phúc ngọt ngào. Một lá THƯ CÁM ƠN dài chỉ 1 trang giấy của gia đình sản phụ là động lực giúp cho nhân viên Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc thêm cố gắng, thêm yêu nghề, thêm quyết tâm và hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao.

Chị Ánh, 2 lần mang thai trước, lần 1 sinh thường, lần 2 sinh mổ không có gì bất thường cả, không nghĩ là lần mang thai thứ 03 này chị lại bị rau tiền đạo, rau cài răng lược tại vị trí mổ đẻ cũ vô cùng nguy hiểm, thậm chí chút nữa phải hy sinh cả tính mạng.

Qua câu chuyện của sản phụ Ánh, các chuyên gia Sản Phụ khoa của Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc gửi khuyến cáo tới tất cả các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhất là những người đã từng sinh mổ. Khi thấy chậm kinh từ 07 – 10 ngày cần đi siêu âm để xác định chính xác vị trí làm tổ của thai. Nếu thai làm tổ ở vùng thân và đáy tử cung thì phát triển bình thường, nếu thai làm tổ ở vị trí bất thường như vùng gần eo tử cung hoặc tại vết mổ đẻ cũ thì cần tham khảo ý kiến bác sỹ chuyên ngành sản khoa ngay, tránh để sau này phát triển trở thành chửa vết mổ đẻ cũ hoặc rau tiền đạo, rau cài răng lược. Sản phụ cũng cần đi khám thai định kỳ, nhất là trong 03 tháng cuối thai kỳ tại cơ sở y tế chuyên ngành sản khoa để phát hiện sớm rau tiền đạo, rau cài răng lược nhằm có biện pháp điều trị kịp thời và tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra trong quá trình sinh.

Gia đình sản phụ Ánh chụp ảnh lưu niệm với tập thể Khoa Sản bệnh

 

con gái nhỏ nhắn trong vòng tay yêu thương của sản phụ Ánh

 

Thư cám ơn của gia đình sản phụ Ánh tới nhân viên Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc

  

Hình ảnh tăng sinh mạch máu ở cơ tử cung 

Tô An 

Khuyên Nguyễn