Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (3,72 km)Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc 15000 - Điện thoại: (0211) 3 711 489, Hotline: 0964.951.010, Email: quanlychatluong.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

HẠN CHẾ NGUY CƠ GÂY TAI NẠN THƯƠNG TÍCH CHO TRẺ EM

(Ngày đăng: 07/06/2021, số lượt xem: 2562)

 

HẠN CHẾ NGUY CƠ GÂY TAI NẠN THƯƠNG TÍCH CHO TRẺ EM

 

Để hạn chế tối đa tai nạn thương tích cho trẻ em, các ngành chức năng và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo, tuy nhiên, theo thống kê của Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, thời gian gần đây, số lượng trẻ em nhập viện cấp cứu do tai nạn thương tích đang có dấu hiệu gia tăng.

 

Bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh khám, theo dõi sức khỏe cho trẻ bị thương tích vùng trán

 

Vừa thực hiện xong ca phẫu thuật cho một bệnh nhi bị chấn thương tại nhà, bác sĩ Phạm Quang Phước, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cho biết: "Chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay, số lượng trẻ nhập viện do tai nạn thương tích tăng gấp 2 lần so với những tháng trước, trong đó, có nhiều trường hợp nặng.

Phần lớn trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích là do sự chủ quan, lơ là của các bậc phụ huynh. Đặc biệt, trẻ càng nhỏ thì nguy cơ bị tai nạn thương tích càng cao. Do trẻ nhỏ thường hiếu động, thích tò mò, bắt chước hành động của người lớn nhưng không lường trước được hậu quả nên rất dễ xảy ra tai nạn".

Mới đây nhất là trường hợp của cháu Nguyễn Hữu T.A, 21 tháng tuổi ở xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc nhập viện trong tình trạng vùng khuỷu tay bị sưng phù nề to. Theo lời kể của gia đình, cháu T.A đang tự chơi, sau đó bị ngã đập khuỷu tay xuống nền nhà. Cháu quấy khóc nhiều và vùng khuỷu tay bị sưng to nên gia đình đưa cháu nhập viện.

Kết quả chụp X-quang cho thấy, T.A bị gãy khối lồi cầu ngoài xương cánh tay khiến cơ bị co và làm khối cầu ngoài bị xoay 360 độ. Đối với trường hợp này, nếu không được đưa tới bệnh viện kịp thời mà tự ý điều trị tại nhà hoặc đắp thuốc nam, tay sẽ bị cong, không thẳng được.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật xoay lại khối cầu ngoài xương cánh tay trả về vị trí ban đầu, kết hợp xuyên đinh cố định tay. Dự kiến, trong khoảng 1 tháng, tay cháu T.A sẽ vận động được bình thường, không để lại di chứng.

Hay như trường hợp của bé Trần Khánh H, 5 tuổi, ở xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, do tò mò, bé H đã ấn vào điều khiển máy tời hàng của gia đình. Sau khi máy tời hàng được di chuyển lên cao thì bất ngờ rơi xuống, làm dập toàn bộ phần miệng, hàm dưới; rách toàn bộ phần góc mép 2 bên miệng đến gần xương hàm dưới, kèm theo toàn bộ phần lợi, niêm mạc, cơ vùng cằm, lộ xương hàm dưới và toàn bộ vùng răng cửa dưới bay ra khỏi ổ răng.

Ngay sau khi được đưa vào viện, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật và khâu thẩm mỹ lại vùng cằm. Mặc dù đã phẫu thuật thành công, nhưng do toàn bộ vùng lợi, răng bị dập, nên bé H sưng đau, những ngày đầu sau phẫu thuật không thể há miệng để ăn.

Để bé nhanh hồi phục, ngoài sử dụng thuốc và nuôi dưỡng bằng truyền dịch, các điều dưỡng Khoa Chấn thương chỉnh hình phải thay nhau chăm sóc với chế độ ăn lỏng từng thìa nhỏ, chia nhiều bữa; đồng thời, thường xuyên cho H súc họng và rửa miệng bằng nước muối để tránh nhiễm trùng. Sau 3 ngày, bé H đã há được miệng và ăn cháo bình thường. Sau 10 ngày, bé H đã ra viện.

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều tai nạn thương tích mà trẻ gặp phải. Theo bác sĩ Phước, lứa tuổi trẻ bị tai nạn thương tích nhiều nhất là từ 2-4 tuổi, với nhiều dạng thương tích như tự ngã gãy tay, gãy chân; tự nghịch gây nên các vết thương phần mềm, các vết thương bề mặt; bỏng; đuối nước; điện giật; hóc dị vật... Các tai nạn thường xảy ra bất ngờ, khó lường trước và có thể gây ra những tổn thương rất nghiêm trọng trên cơ thể trẻ.

Để hạn chế nguy cơ trẻ bị tai nạn thương tích, bác sĩ Phước khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần quan tâm, chú ý đến trẻ nhiều hơn, nhất là trong dịp nghỉ hè. Tuyệt đối không để trẻ chơi một mình, hãy đảm bảo luôn có người để ý tới trẻ mọi lúc, mọi nơi.

Sắp xếp các vật dụng sinh hoạt ngăn nắp; dạy trẻ tránh xa những vật dụng có thể gây nguy hiểm, thương tích như dao, kéo, ổ điện, cầu thang, nước, lửa...

Nếu trẻ không may bị tai nạn thì cần bình tĩnh để tiến hành sơ, cấp cứu, không bôi bất cứ chất gì lên vết thương của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được xử lý kịp thời. Đồng thời, các bậc phụ huynh nên dành thời gian đọc, tìm hiểu về các cách sơ, cấp cứu, xử lý các vết thương ban đầu, để kịp thời sơ, cấp cứu sớm và đúng cách, giúp trẻ vượt qua thời điểm nguy kịch và phòng các di chứng để lại sau này.

 

Nguồn: Minh Nguyệt – Báo Vĩnh Phúc

Tổ quản lý chất lượng