LỖ TIỂU LỆCH THẤP – MỘT DỊ TẬT PHỨC TẠP CẦN PHÁT HIỆN SỚM
Ths.BS. Nguyễn Đức Thắng – Phó trưởng khoa Ngoại
Lỗ tiểu lệch thấp (Hypospadias) là một trong những dị tật bẩm sinh thường gặp ở bộ phận sinh dục nam, xảy ra khi lỗ tiểu không nằm đúng ở đỉnh quy đầu mà lệch xuống mặt dưới của dương vật, thậm chí có thể nằm ở bìu hoặc tầng sinh môn. Dị tật này không chỉ gây ảnh hưởng đến chức năng tiểu tiện, sinh sản mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển toàn diện của trẻ nếu không được phát hiện và can thiệp sớm.
1. Lỗ tiểu lệch thấp là gì ?
Lỗ tiểu lệch thấp là tình trạng lỗ tiểu đổ ra ở vị trí bất thường bên dưới quy đầu – có thể tại thân dương vật, gốc dương vật, bìu, thậm chí tầng sinh môn. Dị tật này thường đi kèm với:
- Cong dương vật hoặc xoay trục.
- Bao quy đầu không phát triển đầy đủ (thiếu da mặt bụng quy đầu).
- Có thể đi kèm với tinh hoàn không xuống bìu hoặc bìu chẽ đôi.

|

|
Hình ảnh các mức độ lỗ tiểu lệch thấp (Ảnh: Nguồn Internet)
|
2. Dấu hiệu nhận biết
Cha mẹ có thể nhận biết dị tật lỗ tiểu lệch thấp ở trẻ sơ sinh thông qua các dấu hiệu:
- Lỗ tiểu không nằm ở đỉnh quy đầu, mà ở mặt dưới dương vật, bìu hoặc tầng sinh môn.
- Bao quy đầu bất thường, không tròn đều, có da thừa ở mặt lưng dương vật.
- Dương vật cong hoặc xoay, kích thước có thể nhỏ.
- Bìu chẽ đôi hoặc bất đối xứng.
- Trẻ có thể không thể đứng tiểu tiện, phải tiểu ngồi giống như bé gái.
Tùy theo mức độ dị tật, lỗ tiểu lệch thấp được chia làm:
- Thể nhẹ: lỗ tiểu lệch gần đỉnh quy đầu.
- Thể nặng: lệch sâu về thân dương vật hoặc gần bìu.
- Thể rất nặng: lỗ tiểu ở tầng sinh môn, kèm dị tật phức tạp.
3. Ảnh hưởng của dị tật đến sức khỏe và tâm lý của trẻ
Dị tật này nếu không được điều trị sẽ gây:
- Khó khăn trong tiểu tiện: tia nước tiểu lệch, phải ngồi tiểu.
- Ảnh hưởng đến tâm lý: trẻ có thể bị mặc cảm, tự ti với bạn bè.
- Gây khó khăn trong sinh hoạt tình dục và sinh sản khi trẻ trưởng thành.
4. Điều trị lỗ tiểu lệch thấp
Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả, có thể tiến hành khi trẻ được từ 1 tuổi trở lên. Mục tiêu của phẫu thuật:
- Làm thẳng trục dương vật.
- Tạo ống niệu đạo nhân tạo đưa lỗ tiểu về vị trí bình thường tại đỉnh quy đầu.

Hình ảnh: Phẫu thuật lỗ tiểu lệch thấp tại Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc
(Nguồn ảnh: Khoa Ngoại Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc)
5. Các biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật
- Biến chứng sớm: chảy máu, nhiễm trùng vùng phẫu thuật.
- Biến chứng muộn:
+ Rò niệu đạo.
+ Hẹp niệu đạo hoặc hẹp lỗ tiểu.
+ Cong dương vật tái phát.
+ Tái phát lỗ tiểu lệch thấp.
+ Túi thừa niệu đạo.
6. KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI BỆNH VIỆN SẢN NHI VĨNH PHÚC
Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục, quý phụ huynh hãy đưa trẻ đến khám tại Phòng khám Ngoại tổng hợp – Phẫu thuật tạo hình (C2.19).
Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc. Địa chỉ: Km9 đường tránh thành phố Vĩnh Yên, Đồng Văn, Yên Lạc, Vĩnh Phúc
Phòng khám Sản-Nhi: 394 Đường Mê Linh, Phường Khai Quang, Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Hotline: 0911.553.115
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. American Urological Association (AUA). (2014). Pediatric Urology Guidelines – Hypospadias.
2. World Health Organization. (2018). Congenital anomalies: Hypospadias fact sheet.
3. Snodgrass, W.T. (2017). “Surgical repair of hypospadias: Outcomes and complications.” Indian J Urol, 33(3), 233–239.
Ths. BS. Nguyễn Đức Thắng - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp