Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc , Vĩnh Phúc - Hotline: 0911.553.115 Email: chamsockhachhang.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ CKII Tô Quang Hưng - Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

Xoắn tinh hoàn ở trẻ em: Cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm.

(Ngày đăng: 08/05/2025, số lượt xem: 11)

XOẮN TINH HOÀN Ở TRẺ NHỎ - ĐỪNG BỎ LỠ THỜI GIAN VÀNG

Ths.BS. Nguyễn Đức Thắng – Phó trưởng khoa Ngoại

Vào khoảng 20h ngày 22/4/2025, Khoa Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận bệnh nhi 4 tháng tuổi, trú tại xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, trong tình trạng quấy khóc nhiều, kèm theo sưng đỏ đau vùng bìu trái.

Sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị xoắn tinh hoàn trái – một cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp hiếm gặp nhưng nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

1. Xoắn tinh hoàn là gì?

Xoắn tinh hoàn là tình trạng cuống mạch máu nuôi tinh hoàn bị xoắn, làm cản trở lưu lượng máu đến tinh hoàn, dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng và hoại tử mô tinh hoàn. Nếu không được can thiệp kịp thời, tinh hoàn có thể bị mất vĩnh viễn, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và nội tiết của trẻ sau này.

Theo y văn, có hai loại xoắn tinh hoàn:

Xoắn tinh hoàn trong bìu: Thường gặp ở trẻ lớn và thanh thiếu niên.

Xoắn tinh hoàn ở sơ sinh (xoắn bẩm sinh): Xảy ra trước hoặc ngay sau sinh.

2. Dấu hiệu nhận biết xoắn tinh hoàn:

Đau đột ngột, dữ dội vùng bìu, thường chỉ một bên.

Bìu sưng, đỏ, căng tức, nhạy cảm.

Trẻ nhỏ có biểu hiện quấy khóc liên tục, bỏ bú.

Một số trường hợp có thể kèm theo buồn nôn, nôn

Hình ảnh Bìu sưng, đỏ, căng tức

trong xoắn tinh hoàn

Tinh hoàn hoại tử do xoắn tinh hoàn

(Ảnh khoa ngoại BVSN)

 3.Thời gian vàng trong xử trí xoắn tinh hoàn: Dưới 6 giờ

Các chuyên gia nhấn mạnh, thời gian dưới 6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng là “thời gian vàng” để cứu sống tinh hoàn. Nếu can thiệp muộn hơn, nguy cơ hoại tử và phải cắt bỏ tinh hoàn là rất cao.

4. Quá trình điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc

Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật khẩn cấp. Ca mổ diễn ra vào lúc 20h30, với sự phối hợp giữa các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp và Khoa Gây mê hồi sức. Tuy nhiên, do tinh hoàn trái đã hoại tử không thể phục hồi, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ để ngăn ngừa biến chứng nặng hơn. Đồng thời, tinh hoàn phải được cố định dự phòng xoắn đối bên trong tương lai.

Sau mổ, bệnh nhi được theo dõi sát tại Khoa Ngoại. Đến ngày hậu phẫu thứ 3, trẻ ổn định, vết mổ liền tốt, ăn uống và chơi đùa bình thường.

5. Khuyến cáo từ bác sĩ chuyên khoa Ngoại Nhi:

Cha mẹ tuyệt đối không chủ quan khi thấy trẻ có dấu hiệu quấy khóc bất thường, sưng đau vùng bìu, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa Ngoại nhi để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Tuyệt đối không chườm nóng, không tự ý điều trị tại nhà, vì có thể làm chậm thời gian xử trí – gây hậu quả nghiêm trọng.

6. Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc:

Với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong xử trí cấp cứu Ngoại nhi, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc luôn sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị các trường hợp bệnh lý ngoại khoa cấp tính ở trẻ em.

Hotline liên hệ cấp cứu và đặt lịch khám: 0911.553.115

Địa chỉ: Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc – Km9 đường tránh thành phố Vĩnh Yên, Đồng Văn, Yên Lạc, Vĩnh Phúc.

Phòng khám Sản – Nhi Khai Quang: Số 394 Mê Linh, Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Ths. BS. Nguyễn Đức Thắng - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp