Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc , Vĩnh Phúc - Hotline: 0911.553.115 Email: chamsockhachhang.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ CKII Tô Quang Hưng - Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

NHIỄM KHUẨN ĐƯỜNG TIÊU HÓA Ở TRẺ – NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN BIẾT ĐỂ BẢO VỆ CON YÊU

(Ngày đăng: 28/03/2025, số lượt xem: 23)

 NHIỄM KHUẨN ĐƯỜNG TIÊU HÓA Ở TRẺ –

NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN BIẾT ĐỂ BẢO VỆ CON YÊU

       Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, chỉ đứng sau các bệnh về đường hô hấp. Mỗi năm, hàng triệu trẻ em mắc phải căn bệnh này, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tiêu chảy cấp, mất nước và suy dinh dưỡng. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là nguy cơ tử vong.

       BS.CKI. Đỗ Thị Dừa – Trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chia sẻ thiết thực và sâu sắc về nhiễm khuẩn đường tiêu hóa – căn bệnh nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ nhỏ với các nội dung:

Nguyên nhân nhiễm khuẩn đường tiêu hóa: 

  • Thực phẩm và nước uống nhiễm khuẩn: Thức ăn không được nấu chín kỹ, nước uống không đảm bảo vệ sinh.
  • Vệ sinh cá nhân kém: Trẻ không rửa tay đúng cách hoặc tiếp xúc với đồ chơi, dụng cụ ăn uống nhiễm khuẩn.
  • Sức đề kháng yếu: Trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc chưa được tiêm phòng đầy đủ dễ mắc bệnh hơn.

Triệu chứng nhận biết sớm:

  • Tiêu chảy kéo dài, phân lỏng hoặc có máu.
  • Nôn mửa, sốt cao, bụng đau quặn.
  • Mất nước với dấu hiệu như khô môi, mắt trũng, trẻ mệt mỏi và lừ đừ.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể khiến trẻ mất nước nghiêm trọng, gây suy nhược cơ thể và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn đường tiêu hóa ở trẻ

Để bảo vệ trẻ khỏi nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, BS.CKI. Đỗ Thị Dừa khuyến nghị các biện pháp đơn giản và hiệu quả:

  • Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Đảm bảo an toàn thực phẩm: Nấu chín thức ăn, sử dụng nước đã đun sôi.
  • Vệ sinh đồ chơi và dụng cụ ăn uống thường xuyên.
  • Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và tiêm phòng Rotavirus phòng tiêu chảy.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và đường hô hấp cấp tính

Trong nhiều trường hợp, trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa đồng thời mắc các bệnh đường hô hấp cấp tính, khiến tình trạng sức khỏe trở nên nghiêm trọng hơn. Cha mẹ cần lưu ý:

1.     Bổ sung nước và điện giải đầy đủ: Trẻ tiêu chảy và sốt cao dễ mất nước, cần bổ sung Oresol hoặc nước lọc thường xuyên.

2.     Đảm bảo chế độ dinh dưỡng nhẹ nhàng: Cho trẻ ăn cháo loãng hoặc súp để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa.

3.     Hạ sốt đúng cách: Lau mát cơ thể bằng khăn ấm và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.

4.     Vệ sinh mũi họng thường xuyên: Dùng nước muối sinh lý để làm sạch mũi giúp trẻ dễ thở hơn nếu kèm theo triệu chứng hô hấp.

5.     Theo dõi sát sao các dấu hiệu nặng: Nếu trẻ tiêu chảy kéo dài hoặc khó thở, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu trẻ có các triệu chứng sau:

  • Tiêu chảy hơn 24 giờ, phân có máu.
  • Nôn nhiều, sốt cao, không ăn uống được.
  • Biểu hiện mất nước: Da khô, mắt trũng, khóc không ra nước mắt.
  • Khó thở hoặc ho kéo dài khi có triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp đi kèm.

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc luôn đồng hành cùng cha mẹ trong hành trình bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho con trẻ – Vì tương lai con em, vì hạnh phúc của mọi gia đình!

BS.CKI. Đỗ Thị Dừa - Trưởng khoa Nội