Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc , Vĩnh Phúc - Hotline: 0911.553.115 Email: chamsockhachhang.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ CKII Tô Quang Hưng - Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

PHANH MÔI – PHANH LƯỠI BÁM THẤP

(Ngày đăng: 09/08/2024, số lượt xem: 183)

 PHANH MÔI – PHANH LƯỠI BÁM THẤP

Phanh môi bám thấp là phanh môi bám đến sát nhú lợi hoặc vượt qua nhú lợi vào mặt trong của xương hàm. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các vấn đề như:
  • Khó khăn khi bú mẹ hoặc bú bình với trẻ sơ sinh
  • Mất nhú lợi, tụt lợi do sự co kéo quá mức của phanh môi
  • Khe thưa
  • Khi trẻ khóc, đầu lưỡi trẻ có hình trái tim do cử động của lưỡi bị hạn chế
  • Gây chậm liền thương khi bị chấn thương
Dính thắng lưỡi (còn được gọi là phanh lưỡi bám thấp hoặc ngắn hãm lưỡi) là một tật bẩm sinh do dây hãm lưỡi (một dây chằng mỏng nối từ lưỡi đến sàn miệng) bị ngắn hơn so với bình thường làm hạn chế vận động của đầu lưỡi.
Tùy thuộc lứa tuổi và mức độ dính thắng lưỡi, trẻ thường có biểu hiện như sau:
  • Khó khăn khi bắt vú và giữ núm vú cho đến hết bữa bú
  • Thời gian mỗi bữa bú kéo dài, trẻ liên tục phải nghỉ giữa bữa bú
  • Lượng sữa bú vào không đủ nên trẻ thường xuyên ngủ không ngon, quấy khóc
  • Khi trẻ khóc, đầu lưỡi trẻ có hình trái tim do cử động của lưỡi bị hạn chế
  • Đầu lưỡi không thè ra ngoài môi được
  • Đầu lưỡi không thể đụng nóc vòm họng hoặc các răng ở hàm trên.
  • Với trẻ lớn thường nói ngọng, đặc biệt các từ như: t, l, ch, d, r
  • Trẻ bị ngắn hãm lưỡi cũng có thể gây ra những vấn đề cho mẹ khi cho con bú như: Đau hoặc nứt núm vú, ít sữa, viêm vú tái diễn.
Khi nào cần can thiệp? Nếu cha mẹ thấy trẻ có những dấu hiệu trên, nên đưa trẻ đến khám để các bác sĩ chuyên khoa đưa ra quyết định điều trị chính xác nhất cho trẻ
Việc phát hiện và xử lý muộn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển (đặc biệt là phần phát âm và sự đều đặn của hàm răng) của trẻ trong tương lai.
Can thiệp phẫu thuật là phương pháp tốt nhất để giúp môi, má, lưỡi cử động bình thường. Các phanh này có thể được cắt bằng lưỡi dao mổ hoặc phẫu thuật bằng tia laser dưới tiêm tê hoặc gây mê tuỳ theo độ tuổi và sự hợp tác của trẻ.
Hiện nay tại Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc triển khai tất cả các phương pháp trên, trẻ bị dính lưỡi độ 3, độ 4 có thể được điều trị bằng phương pháp mổ laser không gây chảy máu, không đau sau mổ, có thể về luôn trong ngày.
Ths.BS. Lê Thị Mai Loan