Khám vô sinh hiếm muộn
Hơn 1 triệu cặp vợ chồng ở Việt Nam đối mặt với tình trạng vô sinh hiếm muộn nhưng không ít trong số đó vẫn chưa nắm rõ việc khám vô sinh, hiếm muộn bao gồm những gì, quy trình như thế nào… Việc chần chừ trong thăm khám kèm theo tự ý điều trị khiến không ít cặp vợ chồng bỏ lỡ thời gian vàng khi trị bệnh, làm cho hành trình tìm con kéo dài, tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí hơn.
1.Khám vô sinh là gì ?
Khám vô sinh là những thăm khám kiểm tra sức khoẻ sinh sản của cả người nam và người nữ để tìm ra nguyên nhân tại sao bạn và đối tác không có thai dù có giao hợp thường xuyên không sử dụng biện pháp tránh thai an toàn trong một khoảng thời gian nhất định. [1],[2].
Trong quá trình khám vô sinh, nếu phát hiện nguyên nhân bác sĩ sẽ tiến hành nên phác đồ điều trị cá thể hoá với tình trạng bệnh lý của từng người để giúp vợ chồng sớm đón con yêu về nhà.
2. Khi nào cần tư vấn vô sinh hiếm muộn?
Khi nào nên đi khám vô sinh là thắc mắc của nhiều cặp vợ chồng. Theo các chuyên gia vô sinh hiếm muộn được xác định là tình trạng hai vợ chồng không thể có thai tự nhiên sau khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp phòng tránh. Thời gian này được tính từ 1 năm (với phụ nữ dưới 35 tuổi) và 6 tháng (với phụ nữ trên 35 tuổi). Vì vậy nếu các cặp vợ chồng đang mong con nên đi thăm khám sớm để được tư vấn và điều trị. [3]
2. Độ tuổi thăm khám tốt nhất
Vô sinh hiếm muộn điều trị càng sớm, tỷ lệ thành công càng cao, vì vậy những cặp vợ chồng mong con không nên trì hoãn thời gian thăm khám. Tuổi trẻ là yếu tố thuận lợi trong việc chữa vô sinh. Càng lớn tuổi phụ nữ và nam giới gặp nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản như ở nữ số lượng và chất lượng trứng sẽ giảm dần theo thời gian. Ở nam giới chất lượng và số lượng tinh trùng cũng sẽ suy giảm. Vì vậy nếu nghi ngờ sức khỏe sinh sản có vấn đề hai vợ chồng nên đi thăm khám sớm.
Theo các nghiên cứu, khoảng 85% phụ nữ sẽ mang thai tự nhiên trong 12 tháng đầu tiên. Nếu giao hợp không sử dụng biện pháp tránh thai nào trong 3 tháng đầu tiên khả năng mang thai là 25%. Tỷ lệ này sẽ sẽ giảm xuống còn 15% vào 9 tháng còn lại.
4. Khám vô sinh gồm những gì?
Để khám vô sinh, hai vợ chồng nên đi cùng nhau, người vợ có thể đi vào bất kỳ ngày nào của chu kỳ kinh, chồng nên kiêng xuất tinh từ 3-5 ngày trước khi đến thăm khám. Các bước khám vô sinh bao gồm: [4]
4.1. Hỏi tiền sử bệnh
Bước đầu khi thăm khám vô sinh, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử sức khoẻ của hai vợ chồng, một số vấn đề bác sĩ muốn vợ chồng cung cấp thông tin bao gồm:
· Tiền sử bệnh lý gồm những bệnh đã, đang mắc phải, những phẫu thuật đã từng làm;
· Các thuốc đang sử dụng;
· Thói quen trong sinh hoạt như hút thuốc lá, rượu bia, từng sử dụng chất cấm, chất kích thích hay không?
· Môi trường làm việc có tiếp xúc với hóa chất, chất phóng xạ, bức xạ hay điện từ không?
· Hai vợ chồng đã từng làm các biện pháp hỗ trợ sinh sản trước đây hay chưa.
Bên cạnh đó bác sĩ cũng quan tâm đến đời sống tình dục của hai vợ chồng như:
· Các phương pháp tránh thai từng sử dụng trước đó;
· Tần suất quan hệ trong một tuần của hai vợ chồng;
· Có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường quan hệ tình dục không?
· Cả hai có gặp vấn đề khi giao hợp như đau, chảy máu hoặc có gặp vấn đề cản trở việc giao hợp không?
4.2. Khám vô sinh cho người phụ nữ
Để chẩn đoán vô sinh ở nữ, bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm và siêu âm như:
· Xét nghiệm miễn dịch giúp phát hiện và điều trị những bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và nguy cơ cho thai nhi như HIV, giang mai, lao, viêm gan B…
· Xét nghiệm AMH đây là xét nghiệm quan trọng trong khám vô sinh nữ, xét nghiệm này đánh giá dự trữ buồng trứng (số lượng nang trứng còn lại ở buồng trứng) của người phụ nữ.
· Xét nghiệm Chlamydia để xác định có bị nhiễm Chlamydia hay không, việc nhiễm trùng Chlamydia có thể gây nhiễm trùng, dẫn đến tình trạng viêm dính tiểu dụng, viêm phần phụ, dính tắc vòi trứng…
· Xét nghiệm tuyến giáp để sàng lọc bệnh lý tuyến giáp như suy giáp, cường giáp… những bệnh này có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai, tăng nguy cơ sinh non, thai lưu và sảy thai.
· Xét nghiệm nội tiết để sàng lọc rối loạn nội tiết, đưa ra những phác đồ kích thích buồng trứng phù hợp.
· Xét nghiệm sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung để có thể phát hiện sớm và điều trị bệnh lý này trước khi tiến hành điều trị hỗ trợ sinh sản.
· Siêu âm phụ khoa để đánh giá tổng quan tình trạng ban đầu về ổ bụng, khảo sát về tử cung, 2 phần phụ, vòi trứng.
· Siêu âm đếm nang thứ cấp để đếm nang ở hai bên buồng trứng giúp bác sĩ tiên lượng được phác đồ thuốc kích thích buồng trứng phù hợp.
· Siêu âm theo dõi sự phát triển của nang noãn để đánh giá xem nang noãn phát triển như thế nào, có phù hợp với phác đồ thuốc hiện tại hay không.
· Siêu âm bơm nước buồng tử cung thường được chỉ định khi bệnh nhân nghi ngờ có polyp tử cung, dính hay có vách ngăn ở tử cung.
· Chụp X-quang tử cung vòi trứng để quan sát các ống dẫn chứng xem có bị tắc nghẽn không, để làm thủ thuật này bác sĩ sẽ bơm một chất cản quang vào buồng tử cung thông qua âm đạo và cổ tử cung. Buồng tử cung sẽ được bơm đầy chất cản quang và khi ống dẫn trứng thông thì chất dịch này sẽ lấp đầy ống dẫn trứng và đi vào khoang bụng.
· Nội soi buồng tử cung chẩn đoán để quan sát trong buồng tử cung giúp phát hiện và điều trị bất thường ở tử cung.
3. Khám vô sinh cho người nam giới
Nam giới khi đến khám vô sinh cũng được thực hiện một số xét nghiệm và siêu âm để kiểm tra sức khỏe sinh sản bao gồm:
· Xét nghiệm tinh dịch đồ: giúp kiểm tra về hình thái tinh trùng, tinh dịch đồ cung cấp các thông tin như số lượng tinh trùng, độ di động và hình dạng tinh trùng, xem có tinh trùng trong tinh dịch không.
· Xét nghiệm miễn dịch để loại trừ những bệnh lây truyền qua đường tình dục ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sức khỏe của thai nhi như HIV, viêm gan B, giang mai…
· Xét nghiệm nội tiết giúp đánh giá chắc năng sinh sản cũng như các bệnh lý liên quan.
· Xét nghiệm nước tiểu sau xuất tinh để tìm tinh trùng trong nước tiểu, xét nghiệm này thường được chỉ định cho những trường hợp nghi ngờ xuất tinh ngược dòng.
· Xét nghiệm di truyền để phát hiện những bất thường về di truyền có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
· Xét nghiệm kiểm tra đứt gãy DNA tinh trùng: việc đứt gãy DNA tinh trùng ở mức độ cao có liên quan đến việc giảm thụ tinh, giảm chất lượng phôi.
· Siêu âm tinh hoàn để kiểm tra và đánh giá các bất thường nếu có ở tinh hoàn và bìu.
· Siêu âm bụng để đánh giá hệ tiết niệu, tìm tinh hoàn lạc chỗ.
4. Cần chuẩn bị gì khi khám vô sinh hiếm muộn?
Chuẩn bị gì khi đi khám vô sinh hiếm muộn để quá trình khám được suôn sẻ? Trung tâm HTSS Bệnh viện Sản nhi tỉnh Vĩnh Phúc sẽ hướng dẫn cho các cặp vợ chồng những công việc cơ bản để chuẩn bị trước khi đi khám vô sinh. [5]
· Đầu tiên, việc có con là câu chuyện của cả vợ và chồng, vì vậy khi đi thăm khám tốt nhất cả hai vợ chồng cùng đi. Người vợ có thể đi bất kỳ ngày nào trong tháng, người chồng trước khi đi khám nên kiêng xuất tinh trước đó 3-5 ngày.
· Thứ 2, chuẩn bị giấy tờ hồ sơ, hai giấy tờ tối thiểu để thăm khám sức khỏe sinh sản khi vợ chồng dự định thực hiện hỗ trợ sinh sản là: căn cước công dân/hộ chiếu và giấy đăng ký kết hôn. Giấy tờ này nên được chuẩn bị sẵn để chuẩn bị trường hợp cần điều trị can thiệp khi hai vợ chồng được xác định khó có con tự nhiên.
· Thứ 3, chuẩn bị hồ sơ thăm khám cũ nếu có, đây là những thông tin quan trọng để bác sĩ đánh giá tổng quan về tình trạng của hai vợ chồng, tiền sử bệnh lý, đơn thuốc đã sử dụng, các tác dụng phụ từng xảy ra với cơ thể. Một số kết quả thăm khám xét nghiệm cũ nếu còn trong thời gian sử dụng bác sĩ sẽ không yêu cầu người bệnh thực hiện nữa và tiết kiệm được chi phí cũng như thời gian.
· Thứ 4, chuẩn bị sức khỏe và tâm lý đây là hai yếu tố quan trọng. Hãy xem đây là đợt kiểm tra sức khỏe bình thường. Hãy trao đổi với bác sĩ về những vấn đề vợ chồng thắc mắc và hướng đi cho tình trạng của cả hai.
· Thứ năm, hai vợ chồng nên thăm khám vào buổi sáng, lựa chọn những trang phục thoải mái vì quá trình khám có thể phải làm xét nghiệm, siêu âm, việc mang đồ rộng rãi giúp hai vợ chồng thoải mái trong di chuyển và thuận tiện hơn cho thăm khám.
4. Khám vô sinh hiếm muộn tại Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, hành trình tìm con không còn đơn độc! Chúng tôi đã và đang triển khai dịch vụ khám và điều trị vô sinh – hiếm muộn uy tín, hiệu quả cho cả nam và nữ.
Với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, tận tâm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, mỗi trường hợp đều được chẩn đoán kỹ lưỡng và xây dựng phác đồ điều trị cá thể hóa phù hợp.
Chúng tôi thấu hiểu những trăn trở của bạn và luôn sẵn sàng đồng hành, sẻ chia trên con đường tìm kiếm hạnh phúc làm cha mẹ.
Hãy để Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc trở thành nơi bắt đầu cho hành trình yêu thương và hy vọng.
Đặt lịch khám ngay hôm nay để tiến thêm một bước gần hơn với thiên thần nhỏ của bạn! Hotline: 0911.553.115. Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Khắc Liêu (2003), “Đại cương về vô sinh, sinh lý kinh nguyệt, thăm dò nội tiết nữ”. Chẩn đoán và điều trị vô sinh, Viện bảo vệ Bà mẹ và trẻ sơ sinh, NXB Y học, Tr 1 - 7, 77 - 80, 88 - 99.
2.Evaluating infertility. (n.d.).ACOG.
https://www.acog.org/womens-health/faqs/evaluating-infertility
3.Infertility – Diagnosis and treatment – Mayo Clinic. (2023, September 13).
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/infertility/diagnosis-treatment/drc-20354322
4.Infertility testing and workup. (n.d.). Advanced Fertility Center of Chicago. https://advancedfertility.com/infertility-testing/initial-infertility-evaluation/
5.Rice, A. (2022, July 20). Evaluating and treating infertility. familydoctor.org. https://familydoctor.org/evaluating-treating-infertility/
Ths.BS. Trương Ngọc Ánh