Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc , Vĩnh Phúc - Hotline: 0911.553.115 Email: chamsockhachhang.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ CKII Tô Quang Hưng - Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

NGÀY THẾ GIỚI NHẬN THỨC VỀ TRẺ TỰ KỶ 02/4

(Ngày đăng: 02/04/2025, số lượt xem: 9)

      Tự kỷ không còn là cụm từ quá mới lạ với nhiều người trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và hiểu đúng về rối loạn này và không phải phụ huynh nào cũng có thể chấp nhận vấn đề đang xảy ra đối với con mình để sẵn sàng can thiệp cho trẻ. Vì thế, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm phát hiện sớm các biểu hiện Tự kỷ, đồng thời việc hỗ trợ tâm lý cho gia đình có trẻ mắc Tự kỷ cũng đóng vai trò rất quan trọng.

 NGÀY THẾ GIỚI NHẬN THỨC VỀ TRẺ TỰ KỶ 02/4 

1.     Ngày thế giới nhận thức về Tự kỷ 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính trên toàn thế giới, cứ 100 trẻ em thì có 1 trẻ  mắc chứng rối loạn phổ Tự kỷ. Tự kỷ là một rối loạn lan tỏa sự phát triển do bất thường của não bộ xuất hiện sớm trong những năm đầu đời. Biểu hiện bằng sự suy giảm rõ rệt khả năng tương tác – giao tiếp xã hội và các hành vi, sở thích, mối quan tâm thu hẹp kéo dài suốt cuộc đời, gây ảnh hưởng đến khả năng thích ứng xã hội và độc lập của trẻ khi trưởng thành.

Tự kỷ là một rối loạn, không phải là bệnhkhông lây lan. Vì thế,việc hiểu đúng về Tự kỷ, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp trẻ không bị bỏ lỡ “giai đoạn vàng” được xem là giai đoạn can thiệp khi trẻ trước 3 tuổi, đồng thời hạn chế sự kỳ thị, áp lực đối với trẻ và gia đình, từ đó giúp nâng cao chất lượng sống của trẻ.

Với mục tiêu nâng cao hơn nữa về nhận thức  và sự quan tâm của cộng đồng đối với  Rối loạn phổ Tự kỷ, từ năm 2008, Liên Hợp Quốc đã chính thức chọn ngày 2 tháng 4 hàng năm là ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ

2. Con tôi bị "Tự kỷ" - Sự thật cha mẹ khó chấp nhận

Những dấu hiệu nhận biết trẻ có thể mắc rối loạn phổ tự kỷ (Nguồn: Ảnh Internet)

Khi nghe chẩn đoán con mình mắc chứng Tự kỷ. Các bậc phụ huynh thường có những cảm xúc và tâm trạng phức tạp đan xen nhau.

- Đầu tiên là cảm thấy sốc, choáng váng và bối rối. Phụ huynh khó lòng chấp nhận điều đó và từ chối chẩn đoán Tự kỷ đối với con của mình.

- Tiếp theo là sự buồn bã, chán nản vì cảm thấy mất hết đi những hy vọng, ước mơ, hoài bão mà họ đã kỳ vọng vào tương lai của con mình.

- Tiếp đến là trạng thái tức giận khi nhận thấy những dấu hiệu chậm giao tiếp, kém tương tác con, nhiều phụ huynh sẽ có cảm xúc giận dữ, rồi đổ lỗi, quy trách nhiệm cho nhau hoặc cho ông bà, người nuôi dưỡng là nguyên nhân khiến trẻ bị mắc Tự kỷ. Bầu không khí của gia đình có thể trở nên căng thẳng, bất hòa và có nguy cơ dẫn đến những đổ vỡ. Một số phụ huynh đôi khi lại giận dữ với chính bản thân mình và có mặc cảm tội lỗi, cảm giác thất bại trong việc nuôi dưỡng con.

- Sau đó là thương lượng trả giá: sau giận dữ, phụ huynh đi tìm những nguyên nhân cho rằng dẫn đến tình trạng xấu của con mình. Nhiều người có thể đưa ra các suy luận rằng nếu như trước đây không cho trẻ xem Ti vi  nhiều, dành thời gian nhiều hơn cho con thì liệu trẻ có mắc tự kỷ không? Tuy nhiên đến nay, giả thuyết về cách chăm sóc của ba mẹ làm con mắc Tự kỷ đã không được chấp nhận và Tự kỷ là một khuyết tật bẩm sinh.

- Sau cùng là sự chấp nhận:  Đối diện với những vấn đề đang diễn ra ở trẻ, phụ huynh có thể chấp nhận được con của mình, với tất cả những gì thuộc về con. Cuối cùng chỉ có tình yêu thương mới là điều tuyệt vời nhất để phụ huynh nhận ra rằng đứa trẻ dù có ra sao thì đó cũng chính là một món quà  của cuộc sống bạn tặng cho mình.

3.   Một số biện pháp hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ của trẻ Tự kỷ.

Giải thích rõ chẩn đoán: Sau quá trình khám, bác sỹ không chỉ đưa ra kết luận một cách đơn giản là trẻ có mắc rối loạn phổ Tự kỷ hay không, mà sẽ giải thích rõ về chẩn đoán dựa trên đặc điểm lâm sàng khám và quan sát được ở trẻ.
         Cán bộ y tế cần giải thích cho cha mẹ hiểu
tầm quan trọng của việc theo dõi và khám định kỳ. Các biểu hiện rối loạn phổ Tự kỷ có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy việc theo dõi sát sẽ đưa ra những chiến lược can thiệp phù hợp với từng giai đoạn.

Kiên nhẫn lắng nghe: Với những phụ huynh nhạy cảm, lo lắng, đặt ra rất nhiều câu hỏi, cán bộ y tế cần kiên nhẫn lắng nghe và đưa ra câu trả lời có trọng tâm, phù hợp khả năng nhận thức của cha mẹ.

Tiên lượng của trẻ trong tương lai là điều cha mẹ rất quan tâm, bác sỹ cần giải thích cụ thể với từng trường hợp, tránh thái độ tiêu cực quá mức khiến cha mẹ bi quan, nhưng cũng không che giấu những khó khăn thực sự khiến cha mẹ chủ quan.
Khi nói chuyện với cha mẹ, dùng từ ngữ có tính chất tích cực. Khuyến khích cha mẹ phản hồi lại thông tin của cán bộ y tế

Khuyến khích tự chăm sóc bản thân: Cha mẹ dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn, làm những điều mình yêu thích, xây dựng các mối quan hệ yêu thương, trân trọng những khoảnh khắc gia đình. Những hoạt động dạy, can thiệp cho trẻ Tự kỷ diễn ra trong thời gian dài và còn nhiều khó khăn đang chờ phía trước. Vì vậy, cha mẹ cần được hỗ trợ để có thể chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng về cả tinh thần, sức khỏe, kinh tế để đồng hành với trẻ.

Giải thích về can thiệp sớm: Cần giải thích với cha mẹ tầm quan trọng của “can thiệp sớm” – can thiệp ngay khi phát hiện những khó khăn của trẻ chứ không đợi chẩn đoán chắc chắn trẻ có mắc Tự kỷ hay không. Can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, tăng chất lượng cuộc sống của trẻ và gia đình. Việc này thường được thực hiện trước khi trẻ 5 tuổi, và tốt nhất là trước 3 tuổi (thời gian vàng).

Khuyến khích sự chủ động: Cha mẹ cần được khuyến khích chủ động trong việc sắp xếp thời gian, bố trí môi trường, lựa chọn giải pháp can thiệp cho trẻ. Cha mẹ cần được hướng dẫn để tìm hiểu kĩ các biện pháp can thiệp, nhận thức rõ những khó khăn của trẻ, điểm mạnh điểm yếu, sở thích và nhu cầu của trẻ để từ đó đưa ra sự lựa chọn.

Khuyến khích sự chia sẻ và tham gia các hoạt động có tính cộng đồng: Cha mẹ được khuyến khích tham gia các câu lạc bộ dành cho gia đình trẻ Tự kỷ. Tại đây những người có cùng hoàn cảnh sẽ cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ vậy, cha mẹ có thể tham gia những hoạt động cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về tự kỷ, đưa ra tiếng nói và những mong đợi của trẻ tự kỷ, thúc đẩy sự phát triển của các chính sách xã hội phù hợp, giúp mang lại sự hòa nhập tốt nhất cho trẻ tự kỷ. Cha mẹ luôn cần được khuyến khích xóa bỏ mặc cảm, mạnh dạn giúp trẻ tham gia được những hoạt động xã hội phù hợp tại cộng đồng, xã hội.

4. Tự kỷ - Hãy thấu hiểu và bắt đầu bằng những yêu thương. Những điều trẻ Tự kỷ mong muốn bạn biết.

- Trước hết, con là một đứa trẻ, con mong thế giới này đừng phân biệt đối xử với con

- Con có thể bị rối loạn phần cảm nhận từ các giác quan

- Xin hãy phân biệt giữa điều con không làm (Do con lựa chọn) và điều con không thể làm (Do con không có khả năng)

- Con tư duy cụ thể, nghĩa là con diễn giải ngôn ngữ theo đúng nghĩa đen

- Xin hãy kiên nhẫn với vốn từ hạn chế của con

- Bởi vì con khó tiếp thu ngôn ngữ nên con định hướng bằng hình ảnh trực quan

- Xin hãy lưu tâm và dựa theo những gì con có thể làm được hơn là những gì con không thể làm

- Xin hãy giúp con có nhiều cơ hội giao tiếp với người khác

- Xin hãy cố gắng thấu hiểu những điều dẫn đến cơn nóng nảy, cáu giận bộc phát của con

- Xin hãy yêu thương con vô điều kiện.

Với mục tiêu tốt đẹp của ngày  2/4 - Ngày thế giới nhận thức về Tự kỷ, nhằm nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của bậc làm cha mẹ, của cộng đồng về Tự kỷ. Hy vọng rằng sự kiên trì – yêu thương của gia đình, sự đồng hành của cán bộ y tế là các bác sĩ, là các nhà tâm lý, giáo viên, điều dưỡng, đặc biệt sự bao dung và hỗ trợ của cộng đồng sẽ là chìa khóa để trẻ Tự kỷ có tương lai tốt đẹp hơn.

 ĐƠN NGUYÊN TÂM BỆNH – PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

Một số hình ảnh trong hoạt động của đơn nguyên:

Giờ can thiệp cá nhân 1-1  Giờ can thiệp theo nhóm
Bài tập vận động thô theo nhóm  Trị liệu massage điều hòa cảm giác

 

Tư vấn dạy mẫu cho phụ huynh

 TẦNG 2 – NHÀ A.202- BỆNH VIỆN SẢN NHI TỈNH VĨNH PHÚC

 Địa chỉ:  Km9 - Đường tránh thành phố Vĩnh Yên – Đồng Văn – Yên Lạc – Vĩnh Phúc

 Hotline tư vấn và CSKH: 0911.553.115

Ths.BS. Trần Thị Nương
Các tin khác