Trung tràng là danh từ bào thai học chỉ một phần ống tiêu hóa kể từ bóng Vater đến giữa đại tràng ngang. Trong quá trình phát triển của ống tiêu hóa nguyên thủy, trung tràng quay quanh trục động mạch mạc treo tràng trên và được cố định vào thành bụng để hình thành nên đoạn tá tràng dưới bóng Vater, toàn bộ ruột non, manh tràng, đại tràng lên và nửa đại tràng ngang bên phải. Tuy nhiên, trong quá trình quay và cố định của ruột có thể diễn ra không bình thường, khi đó toàn bộ ruột non và một phần đại tràng chỉ được cố định vào thành bụng sau bởi một mạc treo rất hẹp làm cho trung tràng dễ bị xoắn và tạo nên bệnh cảnh lâm sàng đặc biệt – Xoắn trung tràng.
Xoắn trung tràng thường kèm theo tắc tá tràng cấp hoặc mạn tính và các dị tật khác như khe hở thành bụng, thoát vị cơ hoành bẩm sinh, còn túi thừa Meckel, bất thường của đường mật.
Tỷ lệ mắc Xoắn trung tràng trên thế giới từ khoảng 1/600 đến 1/500 trẻ sống sau sinh, ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê cụ thể. Tuy hiếm gặp nhưng Xoắn trung tràng có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng do toàn bộ ruột non và một phần đại tràng có thể bị hoại tử. Vì vậy, chẩn đoán và can thiệp sớm là rất cần thiết.
Ngày 24 tháng 11 năm 2015, bệnh viện Sản-Nhi Vĩnh Phúc tiếp nhận một bệnh nhi sơ sinh BÙI KHÁNH HÒA 16 ngày tuổi, Địa chỉ: Tân Phong – Bình Xuyên - Vĩnh Phúc được chuyển lên từ bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên. Trẻ là con thứ 2 đẻ thường tại Trạm y tế xã cân nặng lúc đẻ 2800 gram. Sau đẻ trẻ bú kém, nôn trớ nhiều dịch vàng xanh.Trẻ vào viện trong tình trạng: Tỉnh, chậm, thể trạng suy dinh dưỡng, mất nước rõ, cân nặng 2400 gam.
Sonde dạ dày dịch xanh
Bụng không chướng, mềm đều, không sờ thấy u cục.
Tim nhịp nhanh, thở nhanh nông
Xét nghiệm rối loạn điện giải nặng, suy thận
.png)
Hình ảnh X-quang ổ bụng: dạ dày dãn to kéo lệch sang phải Siêu âm ổ bụng: Hình ảnh xoắn trung tràng
Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc bệnh viện Ths.Bs. Phùng Văn Bính. Bệnh viện tiến hành hồi sức tích cực: truyền dịch, truyền máu, bù điện giải đồ, hội chẩn toàn viện (chủ trì hội chẩn Bs. Nguyễn Thanh Ngọc - Phó giám đốc bệnh viện).
Bệnh nhân được chẩn đoán: Xoắn trung tràng/ suy thận, Tiên lượng nặng. Sau 6 giờ hồi sức tích cực bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu do phẫu thuật viên Ths.Bs. Nguyễn Đức Thắng – Phó trưởng khoa Ngoại tiến hành, cuộc phẫu thuật diễn ra trong 90 phút, bệnh nhân sau mổ được chuyển về khoa Hồi sức tích cực điều trị tiếp.

Hình ảnh xoắn trung tràng trong mổ
Sau phẫu thuật ngày thứ nhất:
Trẻ tỉnh, tự thở, môi hồng, tiểu nhiều
Vết mổ khô, bụng mềm không chướng.
Các xét nghiệm huyết học sinh hóa trong giới hạn bình thường.
Sau phẫu thuật ngày thứ hai:
Trẻ tỉnh, tự thở, môi hồng, tiểu nhiều, không sốt.
Vết mổ khô, bụng mềm không chướng.
Ăn sữa mẹ 15ml/3giờ tiêu tốt.
Xoắn trung tràng là bệnh lý bẩm sinh phức tạp, ít gặp. Với điều kiện của bệnh viện Sản-Nhi Vĩnh Phúc và đội ngũ cán bộ bệnh viện được đào tạo cơ bản chuyên sâu về Hồi sức, gây mê và phẫu thuật nhi, Bệnh viện đã khẳng định được năng lực chuyên môn của bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh về lĩnh vực Sản và Nhi. Cũng trong thời gian qua bệnh viện đã tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật cao từ bệnh viện Nhi Trung Ương như: Phẫu thuật nội soi bệnh Phình đại tràng bẩm sinh một thì, Phẫu thuật nội soi Nang ống mật chủ, phẫu thuật Tắc tá tràng bẩm sinh, phẫu thuật bệnh Thận niệu quản đôi, Thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận niệu quản, Trào ngược bàng quang – niệu quản, Lỗ tiểu lệch thấp….Độ tuổi phẫu thuật cho trẻ từ một ngày tuổi.
Ths. BS. Nguyễn Đức Thắng - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp