Năm 1978 - 1979, trong chiến dịch biên giới Tây Nam, Đại tá Nguyễn Thúy Lan, lúc ấy còn đang là một sinh viên năm cuối Học viện Quân y đã tham gia phục vụ và cứu chữa thương bệnh binh. Kết thúc chiến dịch, chị tốt nghiệp và được phân công về công tác tại Khoa Nội truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 354.
Tại đây, sau một quá trình dài phấn đấu, chị dần dần khẳng định được năng lực của bản thân, được đồng nghiệp yêu mến, cấp trên tín nhiệm. Năm 1989, chị được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Khoa và năm 2000 tiếp tục được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa Nội truyền nhiễm. Trong quá trình công tác tại Khoa Nội truyền nhiễm, chị đã tham gia và chủ trì 24 đề tài khoa học cấp cơ sở chủ yếu về lĩnh vực truyền nhiễm, trong đó đáng chú ý có 3 đề tài nhánh của đề tài lớn cấp Bộ, ngành y tế như: “Nghiên cứu tác dụng hỗ trợ điều trị thuốc Haina trên bệnh nhân viêm gan virus B mãn tính hoạt động”, “Nghiên cứu tác dụng hỗ trợ của thuốc CT02 trong việc điều trị viêm gan virus B mãn tính hoạt động”... Hầu hết các đề tài nghiên cứu này đều được đăng tải trên tạp chí Y học quân sự và các tạp chí chuyên ngành.
|
Đại tá Nguyễn Thúy Lan khám chữa bệnh cho nhân dân tại vùng sâu, vùng xa.
(Ảnh: Thanh Phương)
|
Với lòng say mê yêu nghề, chị không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân. Năm 1985, chị lấy được chứng chỉ nội soi trực tràng ống cứng do Bệnh viện Việt Nam - Cuba đào tạo. Năm 1992, Đại tá Nguyễn Thúy Lan hoàn tất và nhận bằng bác sĩ chuyên khoa cấp II truyền nhiễm. Năm 2002, chị nhận chứng chỉ về nội soi dạ dày và đại tràng ống mềm... Không chỉ giỏi chuyên môn, chị Lan còn nhận được nhiều lời khen ngợi về tinh thần trách nhiệm, nhanh nhạy trong cứu chữa bệnh nhân. Các nhân viên trong Bệnh viện 354 còn nhớ, trong một ca cấp cứu, nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của chị mà một bệnh nhân có biểu hiện chết lâm sàng đã được cứu sống. Với tấm lòng của người thầy thuốc, chị còn tích cực tham gia các phong trào chống dịch bệnh sốt rét, dịch lỵ, dịch sốt xuất huyết, tham gia khám chữa bệnh, khắc phục hậu quả lũ quét ở các vùng sâu, vùng xa hay thăm khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa và các vùng căn cứ địa cách mạng.
Ngoài việc tham gia công tác điều trị, nghiên cứu, chị Lan cũng tham gia các hoạt động khác với vai trò là Ủy viên Hội đồng khoa học, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Bệnh viện... Năm 2008, chị được đề bạt chức vụ Chính ủy Bệnh viện 354. Trên cương vị mới, chị cùng ban lãnh đạo Bệnh viện xây dựng và phát triển Bệnh viện 354 đoàn kết, vững mạnh, ngày càng chứng minh được vị thế trong ngành y quân đội. Năm 2009, Bệnh viện 354 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Năm 2011, Bệnh viện tiếp tục được vinh dự phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; được đầu tư, nâng cấp lại toàn bộ và đầu tư chiều sâu về trang thiết bị y tế. Theo đà phát triển đó, cuối năm 2013, Bệnh viện 354 được nâng cấp lên bệnh viện hạng I.
|
Đại tá Nguyễn Thúy Lan trong Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang
nhân dân của Bệnh viện 354. (Ảnh: Thanh Phương)
|
Những cống hiến của chị cho quân đội, cho đất nước đã được ghi nhận xứng đáng. Chị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, Huy chương Vì sức khỏe nhân dân; được Bộ Quốc phòng tuyên dương tại Đại hội đại biểu phụ nữ quân đội điển hình tiên tiến giai đoạn 2005 - 2010...
Tháng 2 vừa qua, chị Lan đã chính thức nghỉ hưu sau hơn 40 năm phục vụ quân đội. Có thể nói, Đại tá Nguyễn Thúy Lan xứng đáng là một trong những tấm gương sáng tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”./.
Vũ Ngọc Quang