ĐỪNG VÌ QUÁ SỢ DỊCH BỆNH COVID-19 MÀ ĐƯA TRẺ ĐẾN VIỆN KHÔNG KỊP THỜI
Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh, tỉnh táo, đừng vì lo sợ quá mà để trẻ bị bệnh diễn biến sang giai đoạn nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng mới vào viện.
Lo ngại sự lây lan đang bùng phát của dịch bệnh COVID-19, cộng thêm những nỗi lo có thể bị nhiễm thêm bệnh mới khi tới khám tại bệnh viện, nơi nhiều trẻ bị ốm tới khám, mang theo nhiều nguồn lây bệnh, vì sợ tiếp xúc đông người nhiều phụ huynh không dám đưa con đến bệnh viện khám bệnh.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc cũng như nhiều bệnh viện khác trong cả nước, thời điểm này, lượng bệnh nhân đến viện khám bệnh giảm từ 50-70% so với những ngày chưa có dịch COVID-19, những bệnh nhân đến viện phần lớn là các bệnh lý cấp cứu.
Chưa bao giờ ý thức phòng bệnh của người dân được nâng cao như lúc này, mọi người đều lo lắng cho sự lây lan dịch bệnh. Nhưng như thế không có nghĩa là bệnh nhân cần phòng thủ tại nhà, không đến bệnh viện để khám nhất là đối tượng trẻ em, diễn biến bệnh rất nhanh, dễ xảy ra biến chứng để lại hậu quả lâu dài thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.
Vì quá lo ngại nên một số cha mẹ chọn cách không đưa con tới bệnh viện khám mà để con ở nhà và tự chữa cho con theo đơn thuốc cũ, hay kinh nghiệm của các phụ huynh khác, từ mạng xã hội, hay theo hướng dẫn của nhân viên bán thuốc mà không biết điều này có thể dẫn đến các hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng tính mạng. Đồng thời, nhiều phụ huynh cũng có tâm lý chủ quan cho rằng bệnh tình của con chưa đến mức nặng phải nhập viện khám và điều trị ngay. Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ, chúng không tự theo dõi được sức khỏe cũng như diễn biến của bệnh, do đó khi trẻ bị ốm các bậc phụ huynh cần chủ động theo dõi và nhận diện những dấu hiệu bất thường ở cơ thể trẻ, nên chủ động đưa trẻ đến khám kịp thời, đừng vì lo lắng dịch bệnh lan rộng, mà bỏ qua “thời điểm vàng” chẩn đoán xác định bệnh của trẻ. Việc đưa trẻ đến muộn, hậu quả để lại với sức khỏe trẻ còn đáng lo ngại hơn rất nhiều.
Việc đi đến nơi đông người, tụ tập khi không có việc cần thiết đều được khuyến cáo là hạn chế trong thời gian dịch bệnh này, nhưng không có nghĩa là bệnh nhân không nên đến bệnh viện để khám bệnh. Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 giữa người và người là khi cả hai không đeo khẩu trang và tiếp xúc gần, thông qua giọt bắn ho, hắt hơi, nói chuyện. Do vậy, khi ra khỏi nhà, khi đến nơi đông người cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước sạch hoặc nước rửa tay sát trùng, giữ khoảng cách và tuân theo sự chỉ dẫn của nhân viên y tế, hạn chế giao lưu nói chuyện với bệnh nhân không quen biết khác thì khi mọi người đi khám bệnh sẽ được an toàn.
Ngoài ra, trong mỗi bệnh viện đều có bộ phận sàng lọc phân luồng, có khu khám, cách ly, điều trị cho những người nghi nhiễm, những bệnh nhân bị COVID-19 có bộ phận chuyên trách riêng chuyển đi và họ không được tiếp xúc với nhân viên khác trong bệnh viện, không phải COVID-19 bao trùm toàn bệnh viện. Do đó, khi con trẻ bị bệnh thì hãy bình tĩnh và đưa trẻ đến khám bệnh.
Với những trẻ có dị tật bẩm sinh hoặc các bệnh mạn tính đã điều trị ổn định, không có dấu hiệu bất thường, đến lịch tái khám thì có thể gọi điện trao đổi với bác sĩ điều trị để hẹn lùi ngày, không cần thiết phải đến khám ngay trong thời điểm cao điểm dịch bệnh.
Khuyên Nguyễn