Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (3,72 km)Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc 15000 - Điện thoại: (0211) 3 711 489, Hotline: 0964.951.010, Email: quanlychatluong.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

SINH HOẠT KHOA HỌC CHUYÊN ĐỀ: CẬP NHẬT KIẾN THỨC VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH BẠCH HẦU, VẮC XIN PHÒNG BỆNH, NGỘ ĐỘC CLOSTRIDIUM BOTULINUM

(Ngày đăng: 08/10/2020, số lượt xem: 2187)

 

SINH HOẠT KHOA HỌC CHUYÊN ĐỀ: CẬP NHẬT KIẾN THỨC VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH BẠCH HẦU, VẮC XIN PHÒNG BỆNH,  NGỘ ĐỘC CLOSTRIDIUM BOTULINUM

Thực hiện Kế hoạch 343/BVSN-KHTH, chiều ngày 07/10/2020, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc tổ chức sinh hoạt khoa học chuyên đề với 3 nội dung: Cập nhật kiến thức chuyên môn về phòng chống bệnh Bạch hầu, vắc xin phòng bệnh, ngộ độc Clostridium botulinum. Tham dự buổi sinh hoạt có Ban lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa phòng và nhân viên bệnh viện.

Bs. Nguyễn Thu Thủy – Phó giám đốc bệnh viện đã cập nhật những kiến thức mới về đặc điểm dịch tễ học; sinh bệnh học; đặc tính vi khuẩn bạch hầu; cách lây truyền bệnh; chẩn đoán xác định bệnh, hướng điều trị, các biện pháp phòng ngừa, xử lý tránh lây nhiễm bệnh trong bệnh viện và cộng đồng. Hiện nay, bệnh bạch hầu đã có vắc xin để phòng ngừa bệnh, vì thế Bs.Thủy yêu cầu các bác sỹ, điều dưỡng tư vấn cho các bậc phụ huynh đưa con đến khám bệnh tại bệnh viện về lợi ích và sự cần thiết phải tiêm phòng vắc xin nói chung và vắc xin bạch hầu nói riêng đầy đủ, đúng lịch.

Nội dung chia sẻ của Bs. Thiều Đức Anh – Phụ trách Đơn nguyên Tiêm chủng về vấn đề tiêm chủng được rất nhiều nhân viên bệnh viện đặt câu hỏi như thời điểm tiêm vắc xin? Trẻ bị bệnh lịch tiêm như thế nào cho phù hợp? Trẻ bị các bệnh lý tim mạch có tiêm phòng không? Hiện nay, các bệnh lý truyền nhiễm ngày càng nhiều, mức độ nguy hiểm tăng, ngoài ra còn nguy cơ quay trở lại của một số bệnh truyền nhiễm khác, vì thế tiêm chủng chủ động phòng bệnh càng trở nên quan trọng. Bs.Đức Anh nhấn mạnh và lưu ý về tầm quan trọng của tiêm đúng ngày quy định, với cá nhân có thể trạng tốt nhất thì đáp ứng vắc xin tốt nhất. Với trẻ bị bệnh trùng vào thời điểm lịch tiêm chủng thì sau khi khỏi bệnh 1 – 2 tuần cho trẻ tiêm vắc xin, khi đó sức đề kháng của trẻ ổn định trở lại tiêm vắc xin sẽ hiệu quả hơn. Với trẻ dùng Corticoid, sau khi ngừng thuốc 2 tuần mới tiêm vắc xin. Trẻ bị các bệnh lý tim bẩm sinh, chỉ có một số ít trường hợp đặc biệt mới chống chỉ định tiêm vắc xin. Tại Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc có Đơn vị tiêm chủng, với rất nhiều loại vắc xin đảm bảo chất lượng phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt tại đây có máy siêu âm tim, có đội ngũ bác sĩ giỏi về tim mạch, chuyên gia về tiêm chủng sẽ là địa chỉ tin cậy để mọi người yên tâm đưa con em đến tiêm vắc xin phòng bệnh.

Buổi sinh hoạt còn được trao đổi về nội dung ngộ độc botulinum. Clostridium Botulinum là độc tố không mùi, không màu, không vị nên rất khó phát hiện bằng cách thông thường. Khi bị ngộ độc Clostridium Botulinum, giai đoạn đầu giống rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên có thể phân biệt bệnh lý này với các bệnh lý khác. Với các bệnh lý viêm nhiễm thường người bệnh bị sốt nhưng bị nhiễm Clostridium Botulinum lại không có biểu hiện sốt. Các bệnh lý thần kinh khác bệnh nhân sẽ bị rối loạn tri giác nhưng bệnh lý này bệnh nhân lại hoàn toàn tỉnh táo dù bị liệt cơ, khó thở. Sau đó, các triệu chứng liệt xảy ra rầm rộ, nhanh. Chỉ 1-2 ngày xuất hiện triệu chứng sụp mi, nói khó, khó nuốt, yếu chi, khó thở, suy hô hấp. Bs. Nguyễn Hữu Thảo – Khoa HSCC chia sẻ về tình hình ngộ độc botulinum hiện nay tại Việt Nam, Nguyên nhân, tác hại, triệu chứng, chẩn đoán, xử trí và nhấn mạnh phòng bệnh. Tỉnh Vĩnh Phúc chưa gặp ngộ độc botulinum nhưng cán bộ y tế bệnh viện cần phải nắm rõ kiến thức liên quan đến ngộ độc botulinum để chủ động ứng phó. Hiện nay chưa Việt Nam chưa có thuốc giải độc tố này nên việc tuyên bằng nhiều kênh truyền thông khác nhau giúp người dân biết cách phòng và chủ động phòng ngộ độc botulinum hết sức cần thiết như thực hiện ăn chín, uống sôi; không ăn đồ đã quá hạn sử dụng. Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Thận trọng với các thực phẩm đóng kín nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố).  Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối,…): cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn./.

Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt chuyên đề:

 

BSCKII.Nguyễn Thu Thủy – Phó giám đốc bệnh viện chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên đề

 

Bs. Thiều Đức Anh chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên đề

BSCKI. Nguyễn Hữu Thảo chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên đề

 

 

Khuyên Nguyễn