Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (3,72 km)Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc 15000 - Điện thoại: (0211) 3 711 489, Hotline: 0964.951.010, Email: quanlychatluong.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc ban hành kế hoạch công tác Bệnh viện năm 2017

(Ngày đăng: 06/02/2017, số lượt xem: 1992)

  

   SỞ Y TẾ VĨNH PHÚC

   BỆNH VIỆN SẢN - NHI

Số: 06 / KH-BVSN 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Vĩnh Yên, ngày 02 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH CÔNG TÁC BỆNH VIỆN NĂM 2017

I. Những căn cứ xây dựng kế hoạch

Căn cứ Quyết định số 2708/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc thành lập Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc;

Căn cứ Quy chế bệnh viện ban hành theo quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19 tháng 9 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế;

Căn cứ công văn số 2111/SYT-KHTH ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Sở Y tế Vĩnh Phúc “Về việc tổng kết công tác y tế năm 2016, nhiệm vụ công tác y tế năm 2017;

Căn cứ Quyết định số 01/QĐ-SYT ngày 03 tháng 01 năm 2017  của Sở Y tế Vĩnh Phúc “V/v giao chỉ tiêu Kế hoạch và Dự toán thu - chi ngân sách nhà nước năm 2017 của ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc”.

II. Đặc điểm tình hình

          1. Thuận lợi

          - Thuận lợi cơ bản nhất của ngành Y tế là các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước xác định rõ mục tiêu phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đảng, Quốc hội và Chính phủ ngày càng quan tâm đến ngành Y tế, xác định rõ vai trò quan trọng của sức khỏe trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, coi đầu tư cho sức khỏe là đầu tư trực tiếp cho phát triển bền vững.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định số 4275/QĐ-UBND ngày 29/12/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Đề án phát triển sự nghiệp Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030;

- Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 03 – NQ/TU ngày 05/12/2016 về phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030;

          - Hệ thống Pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe ngày càng hoàn thiện; nhiều Luật, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ ngành đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho quá trình xây dựng và phát triển hệ thống y tế;

          - Kinh tế đất nước phát triển với tốc độ cao, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, tạo điều kiện tốt hơn để Chính phủ giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tăng đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe;

          - Cơ chế thị trường từng bước được hoàn thiện và vận hành thuận lợi hơn. Nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo môi trường và động lực phát triển cho ngành.

          2. Khó khăn: 

          - Về cung ứng dịch vụ Y tế: Nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tăng về số lượng và chất lượng trong khi khả năng cung ứng dịch vụ Y tế của ngành Y tế còn hạn chế, nhiều cơ sở Y tế quá tải, cơ sở vật chất cần đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị; cán bộ Y tế còn thiếu, trình độ chưa cao; thói quen của người dân trong tự điều trị, khám chữa bệnh vượt tuyến gây quá tải cho các cơ sở điều trị truyến trên.

          - Về mô hình bệnh tật, ngoài các bệnh truyền nhiễm đã được tiếp tục giải quyết tốt, các bệnh không lây nhiễm, tai nạn thương tích ngày càng tăng, các dịch bệnh mới, các loại bệnh trước đây không gây dịch như Sởi, tay chân miệng đang quay trở lại, các dịch bệnh lạ diễn biến khó lường. Các vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe vị thành niên, chăm sóc sức khỏa trẻ em đang đặt ra những thách thức, những nhiệm vụ phải phấn đấu;

          - Phát triển kỹ thuật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng tạo nên tăng chi phí cho y tế trong khi chi tiêu công cho Y tế chưa cao, phân bổ ngân sách theo đầu vào (định mức trên giường bệnh, biên chế), chưa phân bổ theo kết quả hoạt động, do đó khi các chế độ chính sách tăng thì mức chi cho con người tăng, do đó ảnh hưởng đến phát triển các hoạt động chuyên môn;

- Thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2017 Bệnh viện Sản – Nhi Vĩnh Phúc thực hiện tự chủ 20%;

          Năm 2017 là năm thứ 2 của kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quyết định hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm tới của bệnh viện; Trên cơ sở những kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong năm 2016, Bệnh viện Sản – Nhi Vĩnh Phúc xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2017 cụ thể như sau:

III. Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của năm 2017

1. Mục tiêu

- Từng bước nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, cải tiến chất lượng bệnh viện nhằm cung ứng các dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả và mang lại sự hài lòng cao nhất có thể cho người bệnh, người dân, nhân viên y tế, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân trong tỉnh.

                - Thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về khám chữa bệnh, phục vụ và chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân địa phương, phấn đấu thực hiện đạt các tiêu chí chất lượng bệnh viện từ Mức 3.2 trở lên.

 

          2. Chỉ tiêu cơ bản năm 2017


          Các vấn đề ưu tiên cần giải quyết :

          1. Công suất sử dụng giường bệnh đạt: ≥ 95%;

          2. Phấn đấu thực hiện đạt các Tiêu chí chất lượng bệnh viện từ Mức 3.2 trở lên;

          3. Tăng thu dung điều trị ngoại trú > 10% so với năm 2016;

          4. Thực hiện 20 kỹ thuật mới trong năm 2017;

          5. Phân bố lại nhân sự các khoa, phòng hợp lý theo đề án vị trí việc làm của bệnh viện;

          6. Tăng nguồn thu bệnh viện ≥ 20% so với năm 2016 nhằm bổ sung 20% kinh phí tự chủ của bệnh viện.

          3. Các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp

          3.1. Các nhiệm vụ trọng tâm

           3.1.1. Về nguồn lực: 

          - Đảm bảo tỉ lệ ≥ 2 điều dưỡng / 01 bác sĩ;

          - Đào tạo :

          + Cử 11 bác sĩ dự tuyển CK I, 05 thạc sĩ, 04 bác sĩ định hướng và 02 cao cấp chính trị; 05 trung cấp chính trị;

          + Mở 01 lớp đào tạo quản lý chất lượng bệnh viện; 01 lớp quản lý bệnh viện; 01 lớp Nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ bệnh viện;

          + 100% các trưởng phó phòng có trình độ đại học trở lên;

          + ≥ 10% trưởng, phó khoa có trình độ ngoại ngữ C trở lên còn lại là B;

          + ≥ 80% ĐDT/HST/KTV Trưởng có trình độ chuyên môn là cao đẳng và đại học;

          +  Phấn đấu 20 - 30% ĐD, NHS, KTV có trình độ đại học hoặc cao đẳng.

          3.1.2. Thực hiện chức năng nhiệm vụ : 

          - Thực hiện đạt các tiêu chí chất lượng bệnh viện từ Mức 3.2 trở lên;

          - Số bệnh nhân nội trú: 17.338;

          - Công suất sử dụng giường bệnh bình quân: > 95%;

          - Tăng thu dung điều trị ngoại trú > 10% so với năm 2016;

          - Ngày điều trị nội trú trung bình / bệnh nhân: 6;

                - Tử vong £ 0,05%;

                - Nghiên cứu khoa học: thực hiện 15-20 đề tài NCKH, trong đó mỗi khoa phòng có ít nhất 01 đề tài cấp tỉnh hoặc cấp cơ sở ( hoặc 01 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải cách thủ tục hành chính …), 01 kỹ thuật lâm sàng mới hoặc vượt tuyến. Khoa xét nghiệm-chẩn đoán hình ảnh thực hiện 03 kỹ thuật CLS mới.

           3.1.3. Thực hiện các qui chế bệnh viện : 

          - 100% các khoa phòng thực hiện tốt các Quy chế bệnh viện;

          - ≥ 10% người bệnh được phục vụ theo chế độ ăn bệnh lý;

          - > 95% CBVC được đào tạo nâng cao kỹ năng giao tiếp và tập huấn kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phổ biến kiến thức về luật pháp.

          4. Một số giải pháp trọng tâm:

          4.1. Về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng :

          - Quán triệt đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, những chính sách, các quy định pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định, quy chế của ngành, nghị quyết của Đảng ủy đến các khoa phòng, để tất cả CBVC nắm bắt kịp thời và tổ chức thực hiện tốt;

          - Thường xuyên vận động các khoa phòng nêu cao vai trò trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành tốt sự phân công của lãnh đạo cơ quan, xây dựng tác phong tốt, nề nếp trong cơ quan;

          - Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong cơ quan, đơn vị, khuyến khích CBVC phát huy tư duy, sáng tạo trong công việc. Bên cạnh đó, thường xuyên lấy ý kiến đóng góp của thân nhân - bệnh nhân để chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, thiếu sót nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh và chăm sóc người bệnh;

          - Đẩy mạnh hoạt động của đoàn thể nhất là Công đoàn cơ sở, chăm lo đến đời sống thiết thực của CBVC. Phát hiện và khen thưởng kịp thời các đơn vị hay cá nhân có thành tích tốt. Duy trì tổ chức và phát động phong trào thi đua, vận động CBVC làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, không ngừng học tập nâng cao trình độ, thực hiện tốt quy chế chuyên môn, tham gia các phong trào TDTT, rèn luyện sức khỏe nhằm tạo một môi trường làm việc thoải mái về tinh thần và đảm bảo hiệu quả công việc;

           4.2. Về công tác bảo đảm nguồn lực : 

          a) Về nhân lực: 

          - Phấn đấu thực hiện đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, chính trị, quản lý, ngoại ngữ của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý. Đặc biệt là cán bộ qui hoạch để từng bước đáp ứng theo yêu cầu tiêu chuẩn cán bộ của bệnh viện tuyến tỉnh hạng II;

          - Tập trung đào tạo đại học và sau đại học các chuyên khoa còn thiếu như: Chấn thương chỉnh hình, răng hàm mặt, mắt; vi sinh; giải phẫu bệnh; chẩn đoán hình ảnh;

          - Xây dựng kế hoạch đào tạo về cao đẳng hoặc cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật viên, điều dưỡng chuyên khoa;

          - Phối hợp và đề nghị Bệnh viện hạt nhân hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, đào tạo ngắn ngày những vấn đề ưu tiên của bệnh viện như: Phẫu thuật nội soi, gây mê hồi sức, điều trị chấn thương chỉnh hình …Đồng thời Bệnh viện cử cán bộ xuống tuyến dưới chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816;

          - Động viên, khuyến khích CBVC học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và hỗ trợ học phí hợp lý thông qua qui chế chi tiêu nội bộ.

          b) Về cơ sở hạ tầng: 

          Duy trì và phát triển hệ thống khoa phòng phục vụ khám chữa bệnh và các phương tiện phục vụ chung cho toàn bệnh viện theo quy định của bệnh viện tuyến tỉnh hạng II. Tập trung sửa chữa trung tâm giống cây trồng tỉnh làm nơi khám chữa bệnh, trong đó chú trọng xây dựng khu mới cho Khoa Dược để thuận tiện cho bệnh nhân đến nhận thuốc… sửa chữa, trang bị mới giường, tủ đầu  giường, trang thiết bị, thuốc và VTYT cho buồng bệnh nặng ở các khoa lâm sàng. Bố trí các bảng, biểu hướng dẫn người bệnh trong toàn Bệnh viện;

          c) Về trang thiết bị và vật tư y tế : 

          - Các khoa phòng được trang bị đầy đủ các thiết bị và phương tiện phục vụ người bệnh theo danh mục quy định. Tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị y tế hiện có, đảm bảo khai thác có hiệu quả, đúng tính năng và mục đích sử dụng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Đồng thời hạn chế chỉ định cận lâm sàng tràn lan, không phù hợp phác đồ, không cần thiết gây tốn kém và tăng chi phí cho người bệnh; 

          - Các thiết bị y tế được bảo dưỡng thường xuyên và có nhật ký sau khi bảo dưỡng. Tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng và bảo quản các trang thiết bị định kỳ hàng tháng;

          - Phát huy tinh thần trách nhiệm của cá nhân để có biện pháp quản lý tốt tài sản cố định, vật tư thiết bị, kéo dài thời gian sử dụng nhằm giảm chi phí mua sắm, sửa chữa, tiết kiệm ngân sách bệnh viện.

          d) Về thực hiện các chức năng nhiệm vụ: 

  - Tập trung xây dựng bệnh viện đạt từ mức 3.2 trở lên theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ Y tế về việc ban hành “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện Việt Nam”;

          - Tăng cường công tác thu dung bệnh nhân nội trú, giảm thời gian điều trị trung bình theo mục tiêu kế hoạch, đảm bảo công suất sử dụng giường bệnh tại bệnh viện;

          - Thực hiện các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng đạt từ  ≥ 75% theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

          - Thực hiện các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới từng bước nâng cao dần khả năng và chất lượng điều trị của bệnh viện;

          - Tiếp tục đào tạo, huấn luyện về kiểm soát nhiễm khuẩn, về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, kỹ năng giao tiếp cho trên 95% bác sĩ và điều dưỡng;

          - Thực hiện công tác NCKH và sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào hoạt động của Bệnh viện, quản lý bệnh viện;

          - Duy trì công tác chỉ đạo tuyến, xây dựng kế hoạch cụ thể hỗ trợ công tác khám chữa bệnh cho TT Y tế nhằm nâng cao chất lượng chỉ đạo tuyến và hoạt động chuyên môn theo Đề án 1816. Phối hợp với Bệnh viện ĐKKV Tỉnh thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến và phát triển kỹ thuật lâm sàng – cận lâm sàng tuyến trên;

          - Thường xuyên thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng bệnh trong bệnh viện thông qua khám chữa bệnh hàng ngày, các kỳ họp của Hội đồng người bệnh cấp khoa, cấp bệnh viện. Khối Sản đảm bảo thực hiện tốt các dịch vụ CSSKSS và KHHGĐ, duy trì tổ chức tiêm phòng viêm gan siêu vi B và vitamin K1 cho trẻ sau khi sinh;

          - Trong công tác quản lý bệnh viện và quản lý kinh tế y tế, tiếp tục phát huy hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước cấp, nguồn thu viện phí... đúng theo qui định Nhà nước. Thực hiện qui chế chi tiêu nội bộ năm 2017 theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ;

          - Phối hợp tốt với Bảo hiểm xã hội thực hiện đúng các quy định về khám chữa bệnh cho các đối tượng BHYT.

          e) Về thực hiện các quy chế bệnh viện

          - Trên cơ sở kế hoạch và mục tiêu chất lượng Bệnh viện, các khoa phòng phải xây dựng kế hoạch và mục tiêu chất lượng hàng tháng, quí, 6 tháng và cả năm gửi Phòng KHTH. Tổ chức đánh giá, sơ kết hoạt động định kỳ. Kế hoạch và mục tiêu chất lượng phải khả thi, phù hợp với điều kiện hiện có và sát với thực tế hoạt động bệnh viện trên cơ sở tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế năm 2016 và định hướng đến cuối năm 2017;

          - Xây dựng quy trình khám bệnh hợp lý, khoa học, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu kịp thời không gây phiền hà cho người bệnh đến khám tại bệnh viện.

          - Quản lý và lưu trữ hồ sơ bệnh án theo quy định, lấy số nhập viện làm số lưu trữ nhằm đảm bảo qui chế lưu trữ, dễ tìm và trích lục;

          - Hội đồng người bệnh, đặc biệt là cấp khoa giải quyết kịp thời những kiến nghị của người bệnh và thân nhân người bệnh nhằm chấn chỉnh những hạn chế của bệnh viện trong công tác điều trị, chăm sóc, cung ứng các dịch vụ cho người bệnh cũng như thân nhân người bệnh;

          - Duy trì chế độ thường trực và cấp cứu tại chỗ, củng cố đội cấp cứu ngoại viện, đảm bảo có đủ phương tiện, cơ số thuốc cấp cứu người bệnh nhanh chóng, kịp thời. Xây dựng kế hoạch, phương án và chuẩn bị phương tiện sẳn sàng ứng phó với thiên tai thảm họa, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, cúm A (H1N1, H5N1, H7N9), Sởi, tiêu chảy cấp nguy hiểm, tay chân miệng…;

          - Chấn chỉnh quy chế chẩn đoán bệnh, làm hồ sơ bệnh án và kê đơn. Có giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, tồn tại sau khi kiểm tra của Sở Y tế và hàng tháng tại các khoa lâm sàng của bệnh viện. Kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tập thể còn vi phạm quy chế chuyên môn sau khi nhắc nhở;

          - Chấn chỉnh và cải thiện chất lượng bình bệnh án, bình phiếu chăm sóc, phân tích sử dụng thuốc hàng tháng tại khoa lâm sàng. Thực hiện đúng quy chế hội chẩn và tăng cường vai trò giám sát của các phòng chức năng trong công tác điều trị;

          - Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin cần phải khắc phục kịp thời các sự cố xảy ra, đặc biệt bảo đảm cho phần mềm khám chữa bệnh hoạt động tốt, tạo thuận lợi trong công tác khám chữa bệnh, thống kê, báo cáo và quản lý dược chính xác, hiệu quả. Khuyến khích CBVC sử dụng thông tin mạng cho mục đích học tập nâng cao trình độ chuyên môn và nghiên cứu khoa học;

          - Tăng cường hoạt động chăm sóc người bệnh toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và hài lòng người bệnh, nâng cao kiến thức phòng bệnh và tự chăm sóc sức khỏe cho người dân;

          - Duy trì tổ chức Hội thi tay nghề bác sĩ dược sĩ; thi tay nghề cho điều dưỡng hằng năm, tập huấn kỹ năng giao tiếp và kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho cán bộ nhân viên của Bệnh viện; tổ chức đào tạo liên tục theo 04 chương trình đã được Sở Y tế phê duyệt.

          - Tăng cường hoạt động kiễm soát nhiễm khuẩn bệnh viện đồng thời củng cố hoạt động của Khoa kiểm soát nhiểm khuẩn. Bảo dưỡng thường xuyên các thiết bị hấp, sấy tiệt trùng, thường xuyên kiểm tra việc rửa tay của nhân viên y tế, người bệnh và thân nhân người bệnh. Tổ chức điều tra nhiễm khuẩn bệnh viện, lấy mẫu nuôi cấy để đánh giá việc vệ sinh tay của nhân viên y tế, nguồn nước, dụng cụ tiệt khuẩn mỗi quý, 6 tháng/ lần và có giải pháp can thiệp thích hợp sau khi có báo cáo kết quả;

          - Hội đồng thuốc và điều trị tiếp tục củng cố hoạt động, duy trì họp định kỳ theo quy định của Thông tư 21/2013/TT-BYT, xây dựng danh mục thuốc, hóa chất theo danh mục của Bộ Y tế, khả năng điều trị của Bệnh viện và mô hình bệnh tật hàng năm của địa phương. Đơn vị thông tin thuốc hoạt động thường xuyên, thông tin theo yêu cầu của từng thời điểm và có hiệu quả hơn, Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 05/2004/CT-BYT về việc chấn chỉnh công tác cung ứng, sử dụng thuốc trong Bệnh viện. Tăng cường vai trò quản lý của các lãnh đạo khoa tại đơn vị trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát nhân viên thực hiện các quy chế bệnh viện;

          - Củng cố hoạt động của tổ dinh dưỡng, xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động dinh dưỡng  năm 2017, thực hiện tư vấn chế độ ăn bệnh lý cho các khoa trọng điểm, tham gia bình bệnh án, hội chẩn, tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh;

          - Vận động CBVC thực hiện tốt 12 điều y đức, quy tắc ứng xử và văn hoá nghề nghiệp, nêu cao tinh thần phục vụ người bệnh, tương thân tương ái hổ trợ đồng nghiệp trong công tác. Không để xảy ra đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc sử dụng đường dây nóng vì tinh thần thần thái độ phục vụ không tốt hoặc nhũng nhiễu của nhân viên y tế.

          IV. Tổ chức thực hiện

          1. Ban Giám đốc

          - Bám sát Nghị quyết của Đảng ủy, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch và mục tiêu chất lượng của Bệnh viện trên các lĩnh vực, bộ phận mình phụ trách;

          - Tổ chức sắp xếp hoạt động các khoa phòng, ổn định nguồn nhân lực phục vụ công tác khám chữa bệnh;

          - Điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ, sở trường công tác và theo từng điều kiện cụ thể.

          2. Phòng TCHC

          - Tham mưu kịp thời cho Ban giám đốc trong việc xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng, mua sắm các phương tiện cần thiết để phục vụ người bệnh. Điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, đề cử cán bộ y tế đảm bảo hoạt động của Bệnh viện ổn định và phát triển;

          - Đảm bảo chế độ lương, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ chính sách khác cho nhân viên an tâm công tác;

          - Cử cán bộ đi đào tạo theo kế hoạch đã được Sở Y tế phê duyệt năm 2017.

          3. Phòng KHTH

          - Trên cơ sở Tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế năm 2016, Xây dựng các kế hoạch hoạt động ngắn hạn, trung và dài hạn đến năm 2020 và mục tiêu chất lượng của Bệnh viện, đồng thời phối hợp với các phòng chức năng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về thực hiện các quy chế chuyên môn và báo cáo về những nhận xét, đánh giá, đề nghị của Ban Giám đốc gửi cho các đơn vị sau kiểm tra, đánh giá;

          - Tham mưu cho Giám đốc về công tác đào tạo chuyên môn. Tổ chức đào tạo ngắn hạn phương pháp NCKH, phẫu thuật nội soi, nội soi tiêu hóa, song song với đào tạo liên tục tại chổ cho các bác sĩ, điều dưỡng có khả năng và nhiệt tình để phục vụ khám chữa bệnh, đáp ứng phần nào nhu cầu hiện nay của nhân dân;

          - Đề xuất mua sắm trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Sửa chữa kịp thời các thiết bị y tế, Định kỳ làm báo cáo sơ, tổng kết hoạt động của Bệnh viện vào 06 tháng và cuối năm 2017.

          4. Phòng Tài chính kế toán

          - Đảm bảo quản lý thu chi tài chính theo đúng quy định của Nhà nước, tăng cường thực hành tiết kiệm và chống lãng phí trong bệnh viện. Tham mưu Ban giám đốc thực hiện các giải pháp tăng nguồn thu và tiết kiệm chi;

          - Thực hiện chi tiêu theo Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2017 trên cơ sở Nghị định 43 của Chính phủ đã được thông qua tại Hội nghị cán bộ công nhân viên chức người lao động ngày 06 tháng 01 năm 2017, chủ động phối hợp với các khoa phòng nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ cho phù hợp với tình hình thực tế của bệnh viện hàng năm.

          Thực hiện quản lý tài chính hiệu quả, đảm bảo kinh phí để đơn vị hoạt động theo cơ chế tự chủ mà UBND tỉnh giao.

          5. Phòng Điều dưỡng

          - Tổ chức họp HĐNB cấp bệnh viện 1 lần/tháng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải đáp những thắc mắc người bệnh, thân nhân người bệnh;

          - Triển khai thực hiện Chỉ thị 05/2003/CT-BYT về việc tăng cường công tác chăm sóc người bệnh toàn diện, Thông tư 07/2011/TT-BYT ngày 26 tháng 01 năm 2011 Hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện, giám sát thực hiện các quy trình kỹ thuật, kỹ năng chăm sóc người bệnh và vệ sinh các khoa phòng.

          6. Hội đồng thuốc và điều trị

          - Hội đồng thuốc và điều trị xây dựng danh mục thuốc thiết yếu đáp ứng cho nhu cầu hoạt động khám chữa bệnh cho toàn Bệnh viện;

          - Tổ chức họp định kỳ hàng tháng, quý/lần đánh giá kết quả khám chữa bệnh, điều trị và chăm sóc người bệnh; hiệu quả của thông tin thuốc, cung ứng và sử dụng thuốc trên cơ sở Thông tư 21/2013/TT-BYT, Thông tư 23/2011/TT-BYT và Thông tư 31/2011/TT-BYT của Bộ Y tế. Thực hiện tốt công tác thống kê báo cáo theo quy định.

          7. Hội đồng khoa học kỹ thuật

          - Tổ chức cho các khoa phòng đăng ký đề tài NCKH và triển khai kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới dựa theo kế hoạch phân bổ chỉ tiêu bệnh viện năm 2017. Nghiệm thu, báo cáo và tổ chức Hội nghị khoa học kỹ thuật vào tháng 11 năm 2017. Chỉ đạo các khoa phòng xây dựng phác đồ điều trị phù hợp tình hình bệnh tật địa phương;

          - Xem xét phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế và đề xuất Sở Y tế phê duyệt những kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới khi đủ điều kiện. 

          8. Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn

          - Thực hiện tốt theo tinh thần nội dung Thông tư số 18/2009/TT-BYT, ngày 14 tháng 10 năm 2009 của Bộ y tế về “ Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ”. Đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện và báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm theo quy định;

          - Duy trì kiểm tra công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các nguyên tắc vô khuẩn và phòng ngừa lây chéo trong việc thực hiện các quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc...;

          - Phối hợp với khoa Xét nghiệm thực hiện cấy vi sinh và báo cáo kết quả định kỳ hàng quý cho Ban giám đốc.

          9. Các khoa phòng trực thuộc Bệnh viện

          - Tổ chức triển khai thực hiện tốt các kế hoạch của Bệnh viện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các quy chế chuyên môn, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến... Tự kiểm tra đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch và mục tiêu chất lượng khoa phòng mình, báo cáo định kỳ hàng quý, 06 tháng, 01 năm cho phòng KHTH và phòng Điều dưỡng;

          - Tăng cường khai thác có hiệu quả công suất hoạt động các trang thiết bị y tế của Bệnh viện, bảo quản tốt và thực hiện đúng theo các quy trình kỹ thuật;

          - Tăng cường thu dung người bệnh nội – ngoại trú và phát triển các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra (theo chỉ tiêu kế hoạch được giao).

          - Nâng cao chất lượng điều trị, triển khai một số kỹ thuật mới theo phân tuyến và vượt tuyến (nếu có thể).

          10. Các tổ chức đoàn thể Bệnh viện

          Xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2017, phát động phong trào thi đua thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, giúp Bệnh viện nâng cao uy tín, chất lượng và sự phát triển bền vững trong thời gian tới.

V. Kiến nghị, đề xuất

          1. Với Sở Y tế và Uỷ ban nhân dân tỉnh

          - Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với Sở Y tế đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng công trình bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Vĩnh Phúc tại địa điểm mới (Đồng Văn, Yên Lạc – Hợp Thịnh, Tam Dương); đầu tư cho Bệnh viện các Danh mục trang thiết bị theo Đề án bệnh viện vệ tinh về lĩnh vực sản phụ khoa và nhi khoa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được phê duyệt;

          - Tăng thêm ít nhất100 giường bệnh cho Bệnh viện để theo lộ trình đến năm 2020 bệnh viện đủ 500 giường bệnh;

          - Bổ sung đủ biên chế theo đề án vị trí việc làm đã được cấp trên phê duyệt;

          - Tiếp tục đầu tư mua sắm thêm các trang thiết bị Y tế phục vụ các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh;

          - Cấp kinh phí cho việc sửa chữa, cải tạo cơ sở hạ tầng của Trung tâm giống cây trồng tỉnh theo dự án của Bệnh viện đã được UBND tỉnh phê duyệt, để làm nơi khám, chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải và chật chội tại Bệnh viện;

          - Tăng cường quan tâm chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, giúp Bệnh viện thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ.

 2. Với Bộ Y tế, bệnh viện Hạt nhân

          Quan tâm tạo điều kiện để bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc tổ chức triển khai thực hiện  kế hoạch Đề án bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện đã xây dựng.

 

 

 

Nơi nhận:

- Sở Y tế: B/cáo ;

- Các khoa, phòng: T/h ;

- Lưu VT, KHTH.

GIÁM ĐỐC

(Đã ký)

 

 

Phùng Văn Bính

 

Phạm Tiến Thọ