Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (3,72 km)Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc 15000 - Điện thoại: (0211) 3 711 489, Hotline: 0964.951.010, Email: quanlychatluong.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

TẠI SAO CẦN PHÁT HIỆN, ĐIỀU TRỊ SỚM DỊ TẬT PHANH LƯỠI BÁM THẤP Ở TRẺ EM

(Ngày đăng: 20/04/2021, số lượt xem: 4131)

 

TẠI SAO CẦN PHÁT HIỆN, ĐIỀU TRỊ SỚM DỊ TẬT PHANH LƯỠI BÁM THẤP Ở TRẺ EM

Trong 3 tuần vừa qua (từ 01/4-20/4/2021) Đơn nguyên Răng hàm mặt bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc đã phẫu thuật, điều trị cho 20 trường hợp mắc dị tật phanh lưỡi bám thấp. Đây là dị tật bẩm sinh rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, dị tật này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

     Phanh lưỡi là một nếp niêm mạc nối từ mặt dưới của lưỡi đến sàn miệng và xương hàm dưới. Dây phanh lưỡi ngắn hoặc có vị trí bất thường sẽ làm hạn chế hoạt động của đầu lưỡi. Dị tật này khiến trẻ nuốt khó khăn và hoạt động phát âm không hoàn thiện. Đối với trẻ sơ sinh, phanh lưỡi bám thấp cản trở vận động lưỡi, khiến trẻ bú khó, nuốt rất khó. Ở trẻ vào độ tuổi tập nói, dị tật này khiến trẻ chậm nói, nói ngọng và phát âm sai một số từ. Ngoài ra, phanh lưỡi bám thấp còn có thể gây một số bất thường trong quá trình mọc răng hàm dưới và sự phát triển của xương hàm. Nếu không được phát hiện điều trị kịp thời, dị tật này ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

    Ths.BS Lê Thị Mai Loan – Phụ trách Đơn nguyên Răng hàm mặt bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc cho biết: “dị tật phanh lưỡi bám thấp phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay là phẫu thuật, trung bình một ca phẫu thuật khoảng 30 phút. Nếu trẻ được phát hiện sớm và điều trị sớm ở giai đoạn từ 3 đến 6 tháng tuổi, trẻ có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, với những trẻ phát hiện chậm, điều trị muộn thì dù được phẫu thuật, nhưng do việc nói ngọng đã thành thói quen, bệnh nhi phải mất rất nhiều thời gian luyện tập âm ngữ trị liệu”.

Các bậc phụ huynh lưu ý, khi con mình có một trong những biểu hiện sau thì nên nghĩ đến bệnh lý phanh lưỡi bám thấp:

    + Ðầu lưỡi không thể đưa ra chạm môi hoặc quá môi, hoặc không thể chạm tới vòm khẩu cái.

    + Trẻ gặp khó khăn trong việc bú sữa mẹ, khó nuốt.

    + Khi trẻ khóc, đầu lưỡi có dạng trái tim do cử động bị giới hạn.

    + Trẻ chậm nói, nói ngọng, phát âm sai một số từ.

    + Răng cửa dưới của trẻ lệch lạc, hoặc có khe hở giữa các răng cửa dưới (hiếm gặp).

Hãy đưa con đến Đơn nguyên Răng hàm mặt – Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc để được khám và điều trị kịp thời, hiệu quả. Điều tuyệt vời nữa là ở đây có đội ngũ chuyên khoa Răng hàm mặt nhiều kinh nghiệm, tay nghề cao, tâm huyết và chi phí cho phẫu thuật tại bệnh viện được Bảo hiểm chi trả, các bậc phụ huynh hoàn toàn yên tâm nhé!  

Đừng để dị tật phanh lưỡi làm ảnh hưởng đến nụ cười, giọng nói và sự phát triển toàn diện của con trẻ! 

 

 

Khuyên Nguyễn