Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (3,72 km)Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc 15000 - Điện thoại: (0211) 3 711 489, Hotline: 0964.951.010, Email: quanlychatluong.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

BUỔI NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH.

(Ngày đăng: 19/05/2022, số lượt xem: 293)

   Ngày 12/05/2022, tại hội trường lớn nhà B Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

   Tham dự buổi nói chuyện có BS CKII. Đỗ Trọng Cán – GĐ bệnh viện, cùng toàn thể Đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.

BS CKII. Đỗ Trọng Cán - Giám đốc Bệnh viện

   Tại buổi nói chuyện PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo đã chia sẻ với công chức, viên chức, người lao động của Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc những nét lớn trong cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp cách của Bác

   Ngày 15-5-1965 vào dịp 75 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc. Kể từ đó đến khi qua đời, năm nào, cứ vào dịp tháng 5, Người lại sửa Di chúc. Lần sửa cuối cùng vào tháng 5-1969, kéo dài trong nhiều ngày. Bốn tháng sau, vào đúng ngày Quốc khánh, 2-9-1969, Người vĩnh biệt chúng ta, trở về với thế giới người Hiền.

   PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo cho rằng Bác là một nhà trí thức lớn, Bác sử dụng nhân tài tri thức rất mẫu mực. Những nhà khoa học trong ngành Y như GS, Viện sĩ Tôn Thất Tùng, GS.TS Trần Hữu Ước, GS.TS Đỗ Tất Lợi…từ sự chăm sóc, dìu dắt của Bác đã nảy nở tài năng đem hết tâm huyết phục vụ Đảng và đất nước như những con tằm nhả tơ.

   Trong bức thư gửi ngành Y đăng trên báo Nhân Dân khi Bác làm Chủ tịch nước, Bác căn dặn: “Y đức là hàng đầu, lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền, phải chăm sóc người bệnh nhất là phụ nữ và trẻ em như người thân ruột thịt của mình”. Bác không ký tên là “Hồ Chí Minh” như bình thường mà Bác ký tên là “Ái Dân”. Từ “Ái Dân” Bác dùng lúc này mang  hàm nghĩa: “dân và nước”, “nước và dân”, “ái quốc để ái dân ” “ái dân để ái quốc”. Thông qua lời dặn dò, bút danh ký tên của Bác cũng thấy được ý nghĩa  sâu xa, thiêng liêng đối với những người công tác trong ngành Y tế, là một mắt xích quan trọng trong công tác quản lý xã hội. Ngành nào cũng cần đạo đức, nhưng ngành Y tế và Giáo dục luôn phải đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu. Đảng ta hiện nay cũng cho rằng xây dựng Đảng về đạo đức là rộng hơn xây dựng Đảng về văn hóa.

   Thay mặt toàn thể cán bộ, Đảng viên, người lao động bệnh viện, BS.CKII Đỗ Trọng Cán bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến những đóng góp của PGS trong công tác nghiên cứu, truyền tải nhiều câu chuyện hay, đầy ý nghĩa về Bác đến cán bộ, Đảng viên, thanh niên trẻ hiện nay. Qua những câu chuyện thấm đẫm tình người về Bác, thế hệ cán bộ, đảng viên, thanh niên luôn hướng về Bác, củng cố lòng tin, vô cùng tôn kính và tự hào về vị Cha già suốt cả một đời hy sinh cho dân tộc, cho đất nước, từ đó có kế hoạch học tập làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Tổ quản lý chất lượng