Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Vĩnh Phúc - Địa chỉ: Km 9 quốc lộ 2, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (3,72 km)Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc 15000 - Điện thoại: (0211) 3 711 489, Hotline: 0964.951.010, Email: quanlychatluong.sannhivp@gmail.com, Website: http://sannhivinhphuc.vn. Trưởng Ban Biên tập: Bác sĩ Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Giám đốc bệnh viện.
Từ khóa tìm kiếm Từ khóa tìm kiếm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 118/2016/NĐ-CP ngày 22/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2008/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2008.

(Ngày đăng: 15/08/2016, số lượt xem: 1475)

        Chính phủ vừa ban hành Nghị định 118/2016/NĐ-CP ngày 22/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2008/NĐ-CP ngày 29/4/2008 quy định tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người về loại hình, thành lập, phạm vi hoạt động của ngân hàng mô và điều kiện, thủ tục cấp phép hoạt động ngân hàng mô.

Theo đó, Nghị định số 118/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2008/NĐ-CP tại các nội dung sau:
       Về loại hình ngân hàng mô, theo Nghị định số 118/2016/NĐ-CP, ngân hàng mô là cơ sở y tế được tổ chức theo hai loại hình sau đây: 1- Ngân hàng mô thuộc cơ cấu tổ chức của cơ sở y tế, trường Đại học Y, trường Đại học Y Dược của nhà nước hoặc tư nhân; của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (sau đây viết tắt là ngân hàng mô thuộc cơ sở y tế); 2- Ngân hàng mô có cơ cấu tổ chức độc lập của nhà nước hoặc tư nhân (sau đây viết tắt là ngân hàng mô độc lập).”
        Nghị định số 118/2016/NĐ-CP bổ sung quy định về phạm vi hoạt động chuyên môn của ngân hàng mô là: Tiếp nhận, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển mô; Cung ứng mô cho các cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học; Cung ứng, trao đổi mô với các ngân hàng mô khác; Hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc trao đổi mô nhằm mục đích khám bệnh, chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu y học; lấy giác mạc từ người hiến sau khi chết nếu đủ điều kiện.
        Về việc thành lập ngân hàng mô, Nghị định số 118/2016/NĐ-CP quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép thành lập ngân hàng mô khi đáp ứng đủ các điều kiện. Điều kiện, thủ tục và thẩm quyền thành lập ngân hàng mô nhà nước thì theo Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị y tế công lập; còn điều kiện, thủ tục và thẩm quyền thành lập ngân hàng mô tư nhân thì theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn.
         Nghị định 118/2016/NĐ-CP bổ sung quy định về điều kiện hoạt động và cấp phép hoạt động ngân hàng mô như sau: Sau khi được cấp giấy phép hoạt động từ Bộ Y tế thì ngân hàng mô mới được phép hoạt động. Nghị định  cũng quy định cụ thể các điều kiện về thành lập hợp pháp, cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị đối với việc cấp Giấy phép hoạt động ngân hàng mô và Giấy phép hoạt động đối với ngân hàng giác mạc 
        Về sửa đổi, bổ sung trong hồ sơ, thủ tục cấp phép hoạt động ngân hàng mô như sau: Hồ sơ đề nghị cấp phép gồm Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động ngân hàng mô; Bản sao chứng thực hoặc bản phô tô có bản chính đối chiếu quyết định thành lập của ngân hàng mô hoặc văn bản về việc ngân hàng mô có trong cơ cấu của một cơ sở y tế đối với ngân hàng mô nhà nước hoặc giấy chứng nhận doanh nghiệp đối với ngân hàng mô tư nhân; Bản kê khai cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; Bản kê khai nhân lực của ngân hàng mô.
      Về thủ tục cấp phép: Nghị định 118/2016/NĐ-CP quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho Bộ Y tế. Bộ Y tế kiểm tra hồ sơ và Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định cấp phép hoạt động ngân hàng mô.
       Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ khi có biên bản thẩm định, Bộ trưởng Bộ Y tế cấp Giấy phép hoạt động cho ngân hàng mô, nếu từ chối thì nêu rõ lý do.
        Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2016. 

      Nội dung Nghị định được đăng tải trên Website của Bệnh viện: Văn bản >> Văn bản chính phủ.

Phạm Tiến Thọ